Hội Đông y trên cả nước hiện có gần 70.000 hội viên, mỗi ngày, khám, chữa bệnh cho hàng trăm nghìn lượt bệnh nhân tại 69 Bệnh viện Y học cổ truyền, các phòng khám, phòng chẩn trị y học cổ truyền và trạm y tế xã… Tỷ lệ bệnh nhân khám chữa bệnh bằng Đông y ngày càng tăng, cao nhất là tại tuyến y tế cơ sở. Theo PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, hội viên Hội Đông y được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hành nghề nhưng hoạt động khám chữa bệnh do các lương y thực hiện lại chưa được Bảo hiểm y tế thanh toán.

“Không ai phủ nhận được việc khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Thế nhưng hiện nay tổng số tiền Quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho khám chữa bệnh là hơn 120.000 tỷ mỗi năm, nhưng trong đó chi cho y học cổ truyền chỉ chiếm 1%...”, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh nói.

Hiện Hội Đông y đang đẩy mạnh việc kế thừa những bài thuốc hay, những cây thuốc quý của các ông lang, bà mế, lương y có tay nghề cao, người có bài thuốc gia truyền chữa bệnh hiệu quả ở các thôn, xóm, bản, làng. Tuy nhiên, Luật Dạy nghề, Luật Giáo dục đại học đều chưa nói đến vấn đề đào tạo Lương y. Trong khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định chỉ có 2 đối tượng được khám chữa bệnh đó là bác sĩ và lương y, nhưng hiện tại chưa có cơ sở đào tạo lương y, lương dược.

Trước bất cập này, Phó Ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Xuân Nhạ, Trưởng đoàn công tác đề nghị: “Tôi đề nghị Hội Đông y Việt Nam có đề nghị cụ thể, trên cơ sở đó đơn vị chức năng sẽ tham mưu. Sau đó Ban Tuyên giáo sẽ có ý kiến với Ban cán sự Đảng, Bộ Y tế và từ đó sẽ cùng nhau tháo gỡ…Về kiến nghị phối hợp với Bộ Giáo dục để đào tạo chứng chỉ nghề thì Hội cũng cần có những kiến nghị cụ thể”.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển  toàn diện y học cổ truyền, đến năm 2025, 95% các tỉnh, thành phố có bệnh viện đa khoa y dược học cổ truyền hoặc bệnh viện đa khoa y dược học cổ truyền - phục hồi chức năng. Tỷ lệ khám chữa bệnh y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y học hiện đại đạt 15% tại tuyến Trung ương, 20% tại tuyến tỉnh, 25% tại tuyến huyện và 30% tại tuyến xã./.