“Hiện nay khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi tại nước ta còn hạn chế; thiếu bác sỹ lão khoa và điều dưỡng lão khoa. Chăm sóc người già tại gia đình và cộng đồng chủ yếu dựa vào người nhà và những người chăm sóc không được đào tạo”-Đây là thông tin được đưa ra tại buổi hội thảo "Xây dựng hệ thống chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi tại Việt Nam” được Bệnh viện Lão khoa Trung ương tổ chức sáng 26/5, tại Hà Nội.

nguoi-cao-tuoi.jpg
Toàn cảnh hội thảo

Theo báo cáo của Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, tuổi thọ của nhóm dân số ở độ tuổi trên 60 rất cao và ngày càng tăng. Người cao tuổi Việt Nam chủ yếu sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. Trên 70% người cao tuổi phải tự lao động kiếm sống cùng với sự hỗ trợ của con cháu và gia đình; 72,3% số người cao tuổi sống cùng với con cháu trong khi quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang hạt nhân. 

Theo GS Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, chi phí y tế cho người già cao gấp 7 - 10 lần người trẻ; người cao tuổi sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc. Các bệnh thường gặp ở người cao tuổi là: tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, thoái khớp... và phải điều trị suốt đời. Nhiều bệnh mãn tính có thể làm giảm khả năng tự đi lại, vệ sinh cá nhân, ăn uống, khả năng giao tiếp, quản lý tiền bạc tài sản của người già. Trong khi đó hiện nay khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi tại nước ta còn hạn chế; thiếu bác sỹ lão khoa và điều dưỡng lão khoa.

Nhiều đại biểu nhất trí cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam cần có chiến lược dài hạn làm chậm lại quá trình “già hóa dân số”, duy trì mức sinh hợp lý, đồng thời đẩy mạnh truyền thông giáo dục về già hóa dân số và chăm sóc người cao tuổi; tăng cường hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi; mở rộng và đa dạng hóa các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi... Bên cạnh đó, cần phát huy lợi thế của người cao tuổi về khả năng, kiến thức, kinh nghiệm làm việc; phát huy vai trò người cao tuổi tiêu biểu, uy tín trong gia đình.

GS Phạm Thắng cho biết thêm, các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn người cao tuổi kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe như ăn uống hợp lý, tăng cường vận động, không hút thuốc lá… Thành lập khoa lão khoa tại các trường đại học Y, tăng cường đào đạo chuyên ngành lão khoa cho bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế khác./.