Vấn đề tăng giờ làm thêm trong Dự thảo Luật Lao động sửa đổi vẫn đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Bà Đỗ Thị Thúy Hương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho biết, điện tử là ngành đã áp dụng các công nghệ tiên tiến, song theo bà Hương máy móc vẫn không thể thay thế con người, có những thời điểm mùa vụ buộc doanh nghiệp phải tăng ca.

"Mặc dù tổng số giờ lao động thực tế hằng năm chia trung bình chưa chắc đủ 48 giờ/tuần, có những thời điểm chúng tôi phải cho người lao động nghỉ vì không có việc, nhưng mùa vụ thì phải làm thêm", bà Hương cho biết.

tang_gio_lam_dkrz.jpg
Nhiều doanh nghiệp than khó khăn nếu không tăng giờ làm thêm. (Ảnh minh họa, KT)

Do đó, bà Hương đề xuất không giới hạn giờ làm việc theo tuần và làm thêm theo tháng mà nên gói theo năm. Lý do là hàng loạt các doanh nghiệp FDI trong ngành chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn đã bị vướng mắc dẫn đến vi phạm giờ làm thêm.

Là một trong những doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn bởi giờ làm thêm, ông Chu Văn An, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho rằng, ngành tôm, cá nói riêng và nông nghiệp nói chung đều có tính chất thời vụ. Vào vụ thu hoạch tôm, nếu nhà máy nhận hết sản phẩm của nông dân để chế biến thì sẽ vi phạm giờ làm thêm."Chỉ cần vi phạm thêm 1 giờ trong một tháng thôi là bị lỗi nặng, khách sẽ không mua hàng. Doanh nghiệp phải chờ đến đợt đánh giá tiếp mà khắc phục được thì mới mua hàng, trong khi, chi phí mỗi lần đánh giá không dưới 3.000 USD. Nói thật, doanh nghiệp cũng chẳng mặn mà với làm thêm giờ vì phải chi trả ít nhất 150% cho làm thêm giờ bình thường, 200% cho làm thêm giờ vào ban đêm, 300% làm thêm giờ cho những ngày lễ. Làm thêm giờ phải trả lương thêm mà doanh nghiệp không thể bán giá cao được", ông An cho biết.

Ông Chu Văn An nói thêm rằng, thực tế hàng chục năm nay, ngành tôm chỉ nhiều nguyên liệu nhất từ 3-5 tháng nên cần làm thêm giờ. Các tháng khác làm không đến 8 giờ, thậm chí chỉ làm khoảng 5 giờ đã hết nguyên liệu. 

Minh Phú hiện có 4 nhà máy chế biến tôm, để chạy hết công suất cần 20.000 lao động. Mặc dù thu nhập cao, và có nhiều chính sách đãi ngộ nhưng công ty chỉ tuyển được khoảng 13.000 lao động, thiếu khoảng 35% năng lực sản xuất. Do vậy, doanh nghiệp này xuất tăng giờ làm thêm lên 500 giờ trong năm, đồng thời bỏ quy định ràng buộc giờ làm thêm theo tháng. Hơn nữa, ông cho rằng, người lao động cũng có nhu cầu làm thêm để trang trải cuộc sống.

Tăng giờ làm thêm ở những ngành đặc biệt

 Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, hiện dự thảo chỉnh lý cập nhật bộ luật quy định về giờ làm thêm theo hai phương án. Trong đó, phương án một là giữ nguyên như quy định hiện hành, phương án còn lại là tăng giờ làm thêm lên 100 giờ và chỉ trong 5 ngành nghề đặc biệt, nhưng Chính phủ phải đánh giá tác động. Như vậy là không có chuyện làm thêm cho tất cả các doanh nghiệp."Quan điểm cá nhân của tôi là ủng hộ làm thêm 100 giờ cho 5 ngành. Một đất nước mà năng suất lao động chưa cao, tiền lương tăng nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động thì câu chuyện này phải tính toán. Lần sửa đổi này cũng đặt ra vấn đề phải tạo ra một bộ luật thúc đẩy tăng năng suất lao động", ông Lợi cho biết thêm.Từng nhiều năm tham gia bàn thảo sửa đổi Bộ luật Lao động, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân khẳng định, làm thêm giờ là câu chuyện không mới và lần nào sửa luật cũng luôn có 2 luồng ý kiến trái chiều. Lần này, dự thảo đang cân nhắc mở rộng thêm 100 giờ cho một số ngành nghề. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình, ông Huân cho rằng như vậy sẽ là bó chân doanh nghiệp. Bởi đặc thù của một số ngành có tính chất mùa vụ, nhất là dệt may, thủy sản, da giày làm theo đơn đặt hàng, nên mới chịu áp lực làm thêm giờ, chứ không phải cả nền kinh tế của chúng ta làm thêm."Nếu không tăng giờ làm thêm thì phải phân tích rõ chỗ này để các đại biểu thấy. Riêng tôi ủng hộ phương án tăng thêm 100 giờ nhưng cũng chỉ trong một số ngành nghề. Nhất là không tăng tiền lương lũy tiến nữa, vì quy định hiện nay so với khu vực đã quá cao, nếu tiếp tục sẽ bó chân doanh nghiệp", ông Phạm Minh Huân đưa ra ý kiến./.