Trong thời gian vừa qua, tại một số đô thị lớn như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh liên tiếp các vụ cháy nổ xảy ra tại chung cư cao tầng đến nhà tập thể, cơ sở sản xuất đã gây thiệt hại về người và tài sản. Nhiều vụ cháy đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống của người dân xung quanh. Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn TP.Hà Nội và TP.HCM đã xảy ra hàng chục vụ cháy nghiêm trọng.
Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy, nổ là do công tác phòng cháy, chữa cháy tại các công trình cao tầng, đặc biệt là các tòa chung cư hiện còn tồn tại rất nhiều bất cập. Trong đó nổi bật là tình trạng công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động. Nhiều công trình xây dựng không đúng quy hoạch, giấy phép xây dựng, báo cáo đánh giá tác động môi trường, không đảm bảo các yêu cầu về an toàn, việc trang bị các thiết bị chưa đáp ứng đúng yêu cầu…
Xe thang PCCC mới tiếp cận được tầng 10-15 trở xuống
Thực tế hiện nay, có nhiều tòa nhà cao trên 40 tầng, trong khi đó lực lượng cảnh sát PCCC được trang bị loại xe thang với chiều cao có hạn, cao nhất mới chỉ 72m, còn chủ yếu là 32m và 52m. Đây cũng là trở ngại lớn nhất trong công tác PCCC.
Tại buổi Tọa đàm “Ảnh hưởng của cháy nổ đối với môi trường tại khu vực đô thị” do Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống vừa tổ chức, Trung tá Lê Minh Hải, Trưởng phòng, Phòng công tác phòng cháy, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) cho rằng, theo quy định của phát luật tất cả các tòa nhà, công trình từ khi thiết kế, xây dựng hoạt động đảm bảo các yêu cầu về an toàn PCCC. Đặc biệt đối với nhà siêu cao tầng đối với trường hợp này phải đảm bảo phòng cháy rất khắt khe, có thể lấy ví dụ thực hiện ngăn cháy lan trên các tầng, yêu cầu về hành lang thoát nạn của từng tầng đảm bảo yêu cầu chống cháy lan chống tụ khói…
Tòa nhà cao trên 100m yêu cầu thực hiện đầy đủ yêu cầu về PCCC, khoảng 15- 20 tầng phải có gian lánh nạn, đảm bảo sức khỏe thời gian lánh nạn và đảm bảo trong quá trình di chuyển, ngoài các yêu cầu đó các trang thiết bị các hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy tự động. Đối với nhà siêu cao tầng phải thực hiện hiệu quả công tác PCCC nội tại trong cơ sở. Ngoài ra, người dân sinh sống nắm được kiến thức, nội quy quy định về PCCC của tòa nhà.
Theo Trung tá Lê Minh Hải, xe thang chữa cháy là phương tiện hỗ trợ hoạt động bên ngoài, Chỉ hoạt động hiệu quả từ tầng 10 hay 15 trở xuống, xe hoạt động đô thị hiệu quả. Tuy nhiên đối với hệ thống hạ tầng đô thị của nước ta hiện nay, nhiều khu vực xe thang sẽ di chuyển sẽ khó.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng phòng, Phòng Phương tiện bảo vệ cá nhân – Trung tâm An toàn Lao động, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh Lao động cho biết: Tập huấn hướng dẫn người dân ở chung cư cao tầng theo Nghị định 136 năm 2020 của Chính phủ, với đối tượng PCCC tại chỗ, dân phòng, tập huấn các đối tượng này, mặc dù có quy định nhưng tiến hành các khóa tập huấn thực hiện đến đâu vẫn là câu hỏi lớn cho chung cư cao tầng và doanh nghiệp. Vì thế, công tác triển khai cần quan tâm. Việc nâng cao nhận thức của con người cũng đã nhắc đến nhiều nhưng chưa thực sự hiệu quả, phải chăng cần thay đổi phương pháp tập huấn để người dân dễ hiểu, dễ thực hiện, để đi vào từng hộ gia đình, từng người dân, từng doanh nghiệp.
“Ví dụ, việc hỏi người dân ở các khu chung cư cao tầng tiêu lệnh chữa cháy, phương tiện chữa cháy đều không biết, người dân, người lao động thụ động khi tiếp nhận thông tin. Luật về cháy nổ đã có nhưng thực hiện đến đâu, thực hiện như nào để người dân nâng cao ý thức mới là vấn đề đáng quan tâm…”- Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy nhấn mạnh.
Thực tế, tình trạng mất an toàn cháy nổ, nhất là tại các nhà dân, chung cư cao tầng, cơ sở sản xuất đã được cảnh báo không ít lần nhưng sau đó, những vụ cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng vẫn liên tiếp xảy ra, gây thiệt hại về người và tài sản, gây tác động đến môi trường. Theo Trung tá Lê Minh Hải, chính sách, pháp luật về PCCC tương đối đầy đủ và được cập nhật thường xuyên phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thì có một số quy định tiêu chuẩn PCCC đối với hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh chưa có quy định cụ thể dẫn đến người dân xây dựng chưa đáp ứng được yêu cầu về PCCC.
Trung tá Lê Minh Hải cho biết, Nghị định 136 đã phân công trách nhiệm rất rõ, của cơ quan công an trong quản lý Nhà nước về PCCC, trách nhiệm của UBND các cấp. “Nghị định quy định UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý, kiểm tra đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh và những nhiệm vụ cụ thể theo quy định của pháp luật”.
Nguy cơ cháy, nổ tại chung cư cao tầng ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Khu vực dễ xảy ra cháy và đám cháy lây lan nhanh nhất, gây hậu quả lớn nhất là tầng hầm chung cư, nơi tập trung nhiều phương tiện, vật liệu dễ cháy như xe máy, ô-tô và các tầng đế-nơi có hoạt động kinh doanh, dịch vụ thương mại, vui chơi, giải trí. Các căn hộ cũng là khu vực dễ xảy ra cháy, chủ yếu do chập điện, bất cẩn khi đun nấu,…
Mỗi vụ cháy xảy ra, để lại hậu quả vô cùng to lớn về vật chất, con người và tác động đén môi trường. Vì thế, để công tác phòng chống “giặc lửa” thực sự hiệu quả, cùng với việc trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy ngày càng hiện đại, hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý về phòng cháy, chữa cháy bảo đảm đầy đủ, đồng bộ và có tính khả thi cao, thì việc nâng cao ý thức của con người đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Trung tá Lê Minh Hải nhấn mạnh việc tổ chức tập huấn bồi dưỡng trong chung cư, cơ sở. Chủ cơ sở tổ cần chức tập huấn định kỳ bồi dưỡng, đặc biệt những người làm việc trong môi trường nguy hiểm về cháy nổ và khi thực hiện xong lớp tập huấn sẽ được cấp giấy thực hiện nhiệm vụ được cơ qua công an cấp. Tuy vậy, phải chú trọng thường xuyên được tập huấn, để thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức PCCC.
Về công tác tuyên truyền, cơ quan Cảnh sát PCCC thường xuyên nghiên cứu đổi mới hình thức phù hợp với từng đối tượng. Như tuyên truyền trên truyền hình, phát tờ rơi, treo banner ở thang máy các tòa nhà,… Đặc biệt đang triển khai lồng ghép chương trình đưa vào cấp học, trong thời gian gần đấy đã tổ chức trải nghiệm “1 ngày làm lính cứu hỏa” cho học sinh, người dân để nâng cao ý thức về PCCC.
“Quan trọng là ý thức của người tham gia các chương trình đó để hiệu quả trong công tác PCCC, hiện nay chú trọng tăng cường công tác PCCC đến người dân để đạt hiệu quả cao. Hiểm họa cháy nổ là nguy cơ tiềm ẩn ở tất cả mọi nơi, đặc biệt khi công trình xây dựng cao tầng là xu thế tất yếu tại các đô thị lớn”- ông Hải nói./.