Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, những cựu thanh niên xung phong Ngã ba Cò Nòi - Mai Sơn, Sơn La đã vào sinh ra tử, không nao núng trước bom đạn của kẻ thù, quyết giữ, thông xe nhanh nhất tuyến đường huyết mạch nối đồng bằng Bắc Bộ, chiến khu Việt Bắc, khu III, khu IV với chiến trường Điện Biên Phủ.
Trở về từ túi bom “cửa tử” của tuyến hậu cần phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, tinh thần, nhiệt huyết ấy vẫn luôn được họ gìn giữ, phát huy trong công tác và trong cuộc sống đời thường, là tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu noi theo.
Câu chuyện về người cựu thanh niên xung phong ngã ba Cò Nòi Thái Hữu Hoành, hiện ở tổ dân phố 11, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La mà phóng viên VOV tại khu vực Tây Bắc ghi lại sau đây là một ví dụ điển hình.
Tượng đài ngã ba Cò Nòi |
"Mặc dù địch đang bay lượn trên bầu trời, nhưng thanh niên xung phong vẫn theo yêu cầu đặt ra là phải nhanh chóng san ủi mặt đường, làm sao đảm bảo chập tối là xe cộ và bộ đội, dân công đi qua", 82 tuổi đời, ở cái tuổi đã vào ngưỡng xưa nay hiếm nhưng ông Thái Hữu Hoành, cựu thanh niên xung phong ngã ba Cò Nòi, vẫn rất minh mẫn, cử chỉ, lời nói đậm chất lính. Ông nhớ như in những dấu mốc trong cuộc chiến đấu oanh liệt của bản thân cũng như của lực lượng thanh niên xung phong phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ lẫy lừng năm xưa.
Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân dân ta bước vào giai đoạn quyết định, với việc ta mở chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, kết thúc 9 năm chống thực dân xâm lược. Với tinh thần cả nước bằng sức người, sức củaphục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, người con trai của vùng quê Xuân Thành, Yên Thành, Nghệ An Thái Hữu Hoành và nhiều thanh niên lúc đó mới 18 đôi mươi đã hăng hái làm đơn gia nhập Tổng đội Thanh niên xung phong, hành quân bộ lên Ngã ba Cò Nòi trực tiếp bám trụ làm nhiệm vụ thông tuyến đường huyết mạch này.
Trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ, Ngã ba Cò Nòi là điểm nối giữa Quốc lộ 41 (Nay là Quốc lộ 6) với Quốc lộ 13 (Tức Quốc lộ 37). Tất cả mọi hoạt động chi viện lực lượng, vận chuyển vũ khí, lương thực của ta lên Điện Biên Phủ đều phải qua ngã ba trọng điểm này.
Có lẽ chính vì vậy mà thực dân Pháp đã tập trung đánh phá ác liệt Ngã ba Cò Nòi hòng chặt đứt con đường huyết mạch của ta. Không nao núng trước làn bom đạn, lớp lớp thanh niên xung phong thuộc các đại đội 300, 301, 303, 403, trong đó có ông Thái Hữu Hoành trực tiếp làm nhiệm vụ tại trọng điểm ngã ba Cò Nòi vẫn quyết tâm bám trụ, thông nhanh đường phục vụ quân dân ta chi viện cho chiến trường Điện Biên phủ. 100 thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh để bảo vệ ngã ba huyết mạch này.
Theo ông Hoành, ác liệt nhất là trong các ngày từ sau 13/3/1954 ngay sau khi ta mở màn chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, cứ hơn chục phút địch lại ném bom bắn phá một lần, có ngày chúng ném xuống ngã ba Cò Nòi hàng trăm quả bom các loại.
“Ác liệt nhất là giai đoạn từ sau ngày 13, ngày nào nó cũng đánh, ngày nào cũng 5,6 tốp máy bay. Nó thả bom cứ nhào lên, nhào xuống, thả bom rồi lại bắn rocket. Nguy hiểm nhất là nó thả bom nổ, thả xuống nổ rồi, xong rồi tốp sau đến nó thả bom nổ chậm, bom nổ chậm thả xuống là nó xuyên sâu xuống khoảng 5 đến 10m”, ông Hoành cho biết.
Cựu thanh niên xung phong Thái Hữu Hoành. |
Sau giải phóng Điện Biên Phủ, ông Thái Hữu Hoành tiếp tục tham gia tổng đội thanh niên xung phong mở đường lên biên giới Lai Châu, rồi về quê nhà tham gia các lớp bình dân học vụ, xóa mù chữ cho dân. Đến 1958, ông lại tham gia nghĩa vụ Quân sự, rồi hành quân lên Sơn La-Tây Bắc, phục vụ trong quân đội đến 1987 mới về nghỉ chế độ khi là phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La.
Ba năm thanh niên xung phong, 29 năm quân ngũ, với các cương vị khác nhau, bản thân ông đã trực tiếp tham gia 6 chiến dịch, hơn 100 trận đánh bảo vệ quê hương, giải phóng các bộ tộc Lào. Được tôi luyện trong bom đạn chiến tranh, túi bom không sợ, gian nguy chẳng hề, điều ấy lại được ông phát huy trong cuộc sống đời thường.
Với suy nghĩ: Là người lính cụ Hồ, là thanh niên xung phong thì không thể để đói nghèo, ông Thái Hữu Hoành mạnh dạn thành lập doanh nghiệp tư nhân Duy Liêm chuyên về lĩnh vực xây dựng. Trong nhiều năm qua, kể cả những giai đoạn kinh tế khó khăn, doanh nghiệp vẫn phát triển tốt, đảm bảo uy tín chất lượng các công trình, hoàn thành nghĩa vụ thuế với nhà nước, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương, được vinh danh Doanh nghiệp - Doanh nhân xuất sắc 3 miền vào năm 2014.
Theo ông Hữu Hoành, cứ thực hiện đúng phương châm “Không ngại khó, không ngại khổ, không buông lỏng, kiên trì bám sát công trình” kinh doanh sẽ thành công. Ông chỉ nghĩ bây giờ không còn cách nào khác là mình đem sức lực mình còn lại để nghĩ ra công việc làm ăn, để tạo điều kiện cho con cái có công ăn việc làm và có thu nhập, đảm bảo đời sống gia đình.
Với suy nghĩ, còn sức khỏe là còn cống hiến, ông đã tham gia nhiều công việc ở cơ sở, là Bí thư chi bộ, phó Bí thư thường trực Đảng ủy phường, phó Chủ tịch Hội cựu thanh niên xung phong tỉnh Sơn La, sau này là trưởng Ban mặt trận, Chủ tịch Hội người cao tuổi tổ dân phố... Ở cương vị nào, ông Hoành cũng giành hết tâm huyết của mình cho tập thể, cho dân. Làm sao để phường vững mạnh, tổ dân phố đoàn kết - văn hóa, giảm hộ nghèo và tệ nạn xã hội.
Ông Chu Mạnh Hùng, tổ trưởng tổ dân phố 11, phường quyết Thắng nhận xét: “Ông Hoành là một trong những người phát huy tốt truyền thống cách mạng, truyền thống Bộ đội cụ Hồ, thanh niên xung phong, ông rất nhiều phẩm chất đạo đức cách mạng, đạo đức lối sống. Bà con nhân dân, con cháu, đảng viên khu dân phố này ai cũng nể trọng tư cách đạo đức, tác phong lối sống của ông”.
Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng người lính Bộ đội Cụ Hồ, người cựu thanh niên xung phong ngã ba Cò Nòi Thái Hữu Hoành nhiều huân, huy chương cao quý; địa phương, các cấp ngành cũng tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Ông cũng được vinh danh người công dân kiểu mẫu tỉnh Sơn La, người có công tiêu biểu toàn quốc. Tự hào về cha mình, 6 người con của ông Hoành đều là những công dân gương mẫu, tích cực trên các lĩnh vực công tác, lao động sản xuất, kinh doanh.
Chị Thái Thị Oanh, con gái cả, hiện đang là cán bộ chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La nói: “Bố tôi là một người bố rất là tuyệt vời, chúng tôi rất tự hào về ông. Ông đã dìu dắt, dạy bảo và nuôi chúng tôi khôn lớn và trưởng thành. Cho đến bây giờ các con cũng đã được công tác ở các lĩnh vực và cũng đã góp phần nhỏ bé của mình để cùng xây dựng quê hương Sơn La giàu đẹp”.
Trở về sau những cuộc chiến ác liệt, thấy mình còn may mắn và hạnh phúc hơn rất nhiều đồng đội thanh niên xung phong khác, ông Thái Hữu Hoành quyết tâm thực hiện những di nguyện của đồng đội trước lúc đi xa là biến ngã ba Cò Nòi, một địa danh hào hùng nhưng đẫm máu và nước mắt thành một vùng quê trù phú... Nhiều hoạt động nghĩa tình được ông và đồng đội thực hiện để giúp đỡ các gia đình cựu thanh niên xung phong ngã ba Cò Nòi còn khó khăn vươn lên và vun đắp mãi tình đồng chí, đồng đội một thời bom đạn./.
Linh thiêng ngày giỗ 10 nữ thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc
Xây khu tưởng niệm Thanh niên xung phong bên bờ sông Gianh