Đến ngõ 173 Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Hà Nội), hỏi thăm gia đình ông Nguyễn Bá Tứ và bà Nguyễn Thị Mùi, hầu hết ai cũng biết và cảm thông với gia cảnh của họ. Ông Nguyễn Bá Tứ là 1 trong 4 người lính trên chiếc xe tăng mang số hiệu 846 tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Ông cũng là 1 trong 3 triệu người ở Việt Nam là nạn nhân của chất độc da cam, nạn nhân của cuộc chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ tiến hành ở Việt Nam trong lịch sử chiến tranh có sử dụng vũ khí hóa học trên thế giới.
Bà Nguyễn Thị Mùi và cô con gái Nguyễn Thị Thùy Hương (42 tuổi) bị ảnh hưởng chất độc da cam. |
Sau khi xuất ngũ, ông Nguyễn Bá Tứ trở về với cuộc sống đời thường, làm nghề lái xe rong ruổi khắp nơi mưu sinh. Năm 1978, vợ chồng ông Tứ sinh được cô con gái đầu lòng nhưng đến khi 2 tuổi, thấy con cứ nằm 1 chỗ, mãi không biết đi, bà Mùi lo lắng đưa con đi khám, châm cứu khắp nơi. “Gia đình đưa cháu đi khám, xét nghiệm thì phát hiện cháu bị ảnh hưởng của chất độc da cam do di truyền từ người cha. Đến 4 tuổi cháu mới biết ngồi, 6 tuổi mới biết đi”- bà Mùi nghẹn ngào kể lại.
Mỗi lần con mọc răng là 4-5 đêm mẹ thức trắng
Bà Mùi chia sẻ, chăm sóc 1 đứa trẻ tật nguyền bằng chăm sóc 4 đứa trẻ bình thường. Do ảnh hưởng của chất độc da cam từ người cha, ngày còn nhỏ mỗi lần con sốt là bị co giật, khiến bà vô cùng lo sợ. Con mọc 1 chiếc răng là 4, 5 đêm, bà Mùi phải thức trắng. Đến bây giờ, dù cô con gái của bà đã 42 tuổi, nhưng bà vẫn phải chăm sóc cô như 1 đứa trẻ.
Hơn chục năm ròng rã, kiên trì đưa con đi chữa bệnh, châm cứu khắp nơi nhưng không có tiến triển, đến khi gia đình không còn đủ sức lực và kinh tế, vợ chồng bà đành chấp nhận để con sống tật nguyền, dị dạng. Nhìn cô gái hơn 40 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, chân tay co quắp, miệng méo xệch, trí tuệ không được như người bình thường khiến ai khi gặp cũng không cầm được nước mắt.
Hơn 40 năm qua, một mình bà Tứ vẫn ngày ngày tần tảo dậy sớm làm đồ ăn sáng để bán, lo kinh tế cho cả gia đình. Cả gia đình, 4 miệng ăn đều phải trông chờ vào chiếc bàn nhỏ đẩy ra ngoài đầu ngõ bán hàng ăn sáng mỗi ngày của bà. Cuộc sống gia đình cũng dần vượt qua cơn bĩ cực. “Khoản trợ cấp nạn nhân chất độc da cam của chồng và con gái cũng không được bao nhiêu. Đứa con trai út đang đi học đại học, tốn kém. Bây giờ kinh tế của gia đình rất khó khăn nên tôi còn khỏe, cố gắng được tí nào hay tí đó”- bà Mùi nói.
Năm 2011, ông Tứ không may mắc căn bệnh hiểm nghèo u thanh quản, phải phẫu thuật cắt bỏ thanh quản. Từ đó, sức khỏe của ông giảm hẳn, không nói được thành lời và trên cổ lúc nào cũng phải đeo một miếng bạc để che phần cổ mở khí quản.
Ông Tứ sau khi phẫu thuật cắt bỏ thanh quản đã không còn nói được thành lời và trên cổ lúc nào cũng phải đeo một miếng bạc để che phần cổ mở khí quản. |
Dù cuộc sống vô cùng khó khăn, nhưng vợ chồng bà Mùi vẫn luôn vui vẻ, lạc quan. “Tôi vẫn cảm thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều người là được sống cùng chồng con. Biết bao đồng đội của chồng tôi đã ngã xuống. Nhiều người còn mất khả năng sinh con, đau đớn vô cùng.”- bà Mùi nói.
Bà Nguyễn Thị Mùi tranh thủ chuẩn bị một số đồ để làm bán hàng ăn sáng. |
Không nên bỏ sót những người có công với đất nước
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết, chất độc da cam đã hủy diệt môi sinh, môi trường và để lại hậu quả vô cùng nặng nề, đau thương đối với sức khỏe con người. Hiện nước ta có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, trong đó có khoảng 3 triệu nạn nhân. Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, chất độc da cam là hậu quả nghiêm trọng và phải giải quyết trước mắt cũng như lâu dài.
Thời gian qua, khoảng 350.000 nạn nhân chất độc da cam cơ bản được hưởng chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước nên đời sống của những đối tượng này dần được cải thiện.
“Chúng tôi đã kiến nghị với Đảng, Nhà nước nhanh chóng nghiên cứu và công khai những vùng bị phơi nhiễm và công khai những đơn vị tham gia trong chiến trường, những chiến trường đó bị phơi nhiễm, bị địch rải nhiều lần. Đối với những người tham gia kháng chiến do không may mất giấy tờ, đề nghị Đảng, Nhà nước xem xét, giải quyết chế độ cho họ. Phải đối xử công bằng, không nên bỏ sót những người có công với đất nước”- Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho biết.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. |
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho biết, 15 năm hoạt động, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã vận động, quyên góp được trên 2.000 tỷ đồng để chăm sóc, nuôi dưỡng, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam (trong đó có khoảng 7-8% là nguồn lực của nước ngoài). Hội cũng đã cũng xây dựng được 26 trung tâm nuôi dưỡng và 9 trung tâm tẩy độc cho nạn nhân chất độc da cam; trợ cấp để xây được hàng vạn ngôi nhà cho các nạn nhân.
“Trong quá trình vận động, chúng tôi vận động các doanh nghiệp, họ có thể đi tặng quà trực tiếp, hỗ trợ trực tiếp các đối tượng, thiết thực hơn. Hội cũng là cầu nối để kết nối các nạn nhân và doanh nghiệp. Vì vậy, việc thực hiện cũng có được hiệu quả vô cùng lớn, có ý nghĩa” - Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho biết.
Thời gian tới, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tích cực phối hợp cùng các bộ, ban ngành, các địa phương giám sát thực hiện chính sách đối với những người có công với cách mạng. Bên cạnh đó, vận động các nguồn lực, chăm sóc giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam./.
Nghệ An vẫn day dứt nỗi đau chất độc da cam
Đà Nẵng hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng cho nạn nhân chất độc da cam