Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) vừa có văn bản gửi Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) liên quan đến công tác quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đường cao tốc do VEC quản lý.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu VEC bãi bỏ, bổ sung những quy định bất hợp lý về từ chối phục vụ xe vào cao tốc. |
Tổng cục ĐBVN cho biết, ngày 11/2 đã đề nghị VEC kiểm tra, xử lý thông tin do báo chí nêu về việc Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 phương tiện có biển số 51A - 558.50 và 51G - 772.56.
Lý do VEC E đưa ra là 2 phương tiện này có các hành vi vi phạm các quy định theo Quyết định số 13/2019 của HĐTV VEC ban hành quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia giao thông trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác.
Sau khi xem xét báo cáo các nội dung của VEC liên quan đến vụ việc, Tổng cục ĐBVN yêu cầu VEC kiểm tra, rà soát các nội dung quy định của VEC trong quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đường cao tốc do VEC quản lý, đặc biệt là Quyết định số 13 ngày 10/1/2019; Bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định để phù hợp với pháp luật hiện hành. Báo cáo kết quả thực hiện về Tổng cục Đường bộ trước ngày 28/2/2019.
Thời gian qua, VEC đã thực hiện từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia giao thông trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác. |
Tổng cục ĐBVN cũng yêu cầu VEC thông báo kịp thời, phối hợp với các lực lượng chức năng để xử lý, bảo đảm trật tự ATGT, an ninh và xử lý tai nạn, sự cố trên đường cao tốc.
Kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm ATGT trên các đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 32/2014 của Chính phủ về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc và Nghị định số 46/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Trước đó, VEC E có thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn với 2 ôtô mang biển kiểm soát TP.HCM là 51A - 55850 và 51G - 77256 trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý. VEC E cho rằng, những người đi trên 2 phương tiện này đã có hành vi gây rối tại trạm thu phí Long Phước trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Tuy nhiên, quyết định này nhận được nhiều phản đối từ chuyên gia pháp lý. Theo các luật sư, việc từ chối phục vụ vĩnh viễn cũng giống như lệnh cấm lưu thông vào cao tốc đối với 2 phương tiện đó, trong khi VEC E (hay VEC) không có thẩm quyền này. Sau đó, đại diện Tổng cục Đường bộ cũng cho rằng, chưa có quy định pháp luật về từ chối vĩnh viễn phương tiện và cho rằng nếu VEC đã ban hành quyết định thì phải thu hồi.
Trước đó, dư luận và các luật sư phản đối quyết định cấm vĩnh viễn 2 xe vi phạm đi vào đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây ngày 10/2/2019 vào các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác là trái pháp luật.
Ngay sau đó, lãnh đạo VEC chính thức lên tiếng trong đó khẳng định VEC E chưa ban hành bất cứ văn bản nào về việc từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 xe ôtô vi phạm trên cao tốc mà mới chỉ có báo cáo đề xuất gửi VEC để xem xét, xử lý.
Qua xem xét, VEC nhận thấy đề xuất trên của VEC E là chưa đủ cơ sở pháp lý. Do đó, ngày 12/2, VEC đã có Văn bản số 335/CV-VEC gửi VEC E.
Thời gian qua, VEC đã thực hiện từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia giao thông trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác với mục đích trước tiên là đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người điều khiển phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường cao tốc./.
Tổng kiểm tra việc thu phí trên các tuyến cao tốc của VEC
Chỉ định thầu sai luật, Bộ GTVT đề nghị xử lý lãnh đạo VEC
VEC thừa nhận ra văn bản “cấm xe” là không đúng thẩm quyền