Như tin đã đưa, trận dông lốc kinh hoàng chiều 13/6 tại Hà Nội đã làm ít nhất 2 người chết, 5 người bị thương và 1.400 cây xanh bị đổ, gãy; thậm chí có nhiều cây xanh vừa được trồng trong đợt chặt hạ, thay thế vừa qua trên một số tuyến phố.

cay_le_duan_copy_xxso_enom.jpg
Cây mới trồng bị đổ cùng xà cừ trên đường Lê Duẩn (Ảnh: Lê Vương Bá Hiếu)

Đáng chú ý, những cây xanh mới trồng bị đổ này còn nguyên dây dợ, nilon, vỏ bọc… quấn quanh bầu cây. Nhiều người bức xúc cho rằng đây là một cách trồng cây cẩu thả, giả dối không chấp nhận được. Quan sát bằng mắt thường dễ dàng nhận thấy những hố trồng cây này khá nông, đất vùi không chặt. Thậm chí, nhiều cây trên đường Nguyễn Chí Thanh còn lộ cả phần bầu trên mặt đất.

Bên lề kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, chiều 15/6, phóng viên VOV.VN có cuộc phỏng vấn nhanh bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về vấn đề này.

PV: Theo bà, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm về việc trồng cây cẩu thả này?

Bà Bùi Thị An:Cây xanh vừa rồi bị đổ do giông lốc bộc lộ ra một điều, đó là đơn vị trồng rất thiếu trách nhiệm, để nguyên bọc nilon, cột dây, đó là điều không được phép.

Tôi nghĩ, thành phố Hà Nội chắc chắn sẽ yêu cầu các đơn vị thi công phải quy trách nhiệm rõ ràng. Bởi thành phố rất nghiêm khắc vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường Hà Nội, trong đó có cây xanh.

PV: Trên cương vị là đại biểu Quốc hội của thành phố, bà có ý kiến gì?

Bà Bùi Thị An:Bây giờ thành phố phải để khắc phục xong hậu quả của giông tố đã, tức là giải quyết, giải tỏa những nơi cây đổ, cột điện đổ. Sau đó quy trách nhiệm dần. Tìm ra nguyên nhân cây đổ thì đã rõ, nhưng có những cây đổ đã bộc lộ trong quá trình trồng đơn vị đã thiếu nghiêm túc, thiếu trách nhiệm.

Cây đổ trồi nguyên cả bầu trên mặt đất (Ảnh: Lê Vương Bá Hiếu)

Thành phố phải chỉ đạo Công ty Công viên cây xanh, đơn vị cụ thể thi công trồng, thì chắc chắn phải truy trách nhiệm đến cùng. Đồng chí Chủ tịch thành phố sẽ phải chỉ đạo việc này.

PV: Liệu Hà Nội có làm đến nơi hay không chỉ chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm, thưa bà?

Bà Bùi Thị An:Chắc chắn phải làm đến nơi, đây đơn giản không chỉ là cây xanh mà còn nhiều chuyện khác như quản lý đô thị, trật tự đô thị, môi trường của Hà Nội, liên quan đến Luật thủ đô. Cho nên chắc chắn thành phố sẽ làm triệt để.

PV: Một nguyên nhân nữa là thành phố trồng cây không phù hợp nên mới bị đổ, ý kiến của bà như thế nào?

Bà Bùi Thị An:Vấn đề này Hà Nội đã có chỉ đạo phải nghiên cứu các loại cây thích hợp với thổ nhưỡng của thành phố, đảm bảo thẩm mỹ và bảo vệ môi trường, đồng thời có tuổi thọ tốt, phát triển bền vững. Rễ phải rễ cọc chứ không phải rễ chùm.

Tất nhiên phải phù hợp với thổ nhưỡng, đặc thù của thành phố, nhất là tại phố cổ thường xuyên bị đào đất hạ đường dây. Cái này khó nhưng chắc chắn làm được.  

PV: Vấn đề bồi thường như thế nào cho người dân sau thiệt hại, nhất là đã có người tử vong, thưa bà?

Bà Bùi Thị An:Chuyện những cây cột điện đổ vào ô tô và ai bồi thường thì khó xác định. Nếu nói cho cùng thì đây là thiên tai, thảm họa bất ngờ, bất khả kháng, nên truy trách nhiệm đến cùng thì rất khó.

Thậm chí là cây đổ, tuy rằng đơn vị đi trồng, họ có thiếu trách nhiệm nhưng không thể quy chuyện đó và buộc họ phải đền bù.

Tôi nghĩ có chăng là rút kinh nghiệm từ giờ trở đi, là nếu đơn vị nào gây ra tai họa thì đơn vị đó phải chịu. Đưa vào luật cũng khó, có chăng nên quy định nếu như đơn vị nào được giao nhiệm vụ tôn tạo, cũng như tạo ra một cái gì đó cho thành phố, mà sau này cái đó gây ra hậu quả nghiêm trọng cho dân thì đơn vị, người đó phải đền.

PV: Xin cảm ơn bà!./.