Năm nay, trong nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ, không thể không nhắc tới lễ cầu siêu cho các anh hùng, liệt sĩ và đồng bào hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc do Giáo hội phật giáo Việt Nam ở TW và các địa phương tổ chức.
Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV, hòa thượng Thích Gia Quang - Phó chủ tịch Hội đồng trị sự TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, tổ chức các hoạt động này, Phật giáo muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình để thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam
Lễ rước chân linh anh hùng liệt sĩ về Đài tưởng niệm Bắc Sơn. |
Phóng viên: Thưa hòa thượng, được biết, nhân kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ, Phật giáo trên toàn quốc đã có nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có việc tổ chức các lễ cầu siêu. Hòa thượng có thể nói rõ hơn ý nghĩa các hoạt động này?
Hòa thượng Thích Gia Quang:
Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kết hợp với nhiều cơ quan, đoàn thể tổ chức các lễ cầu siêu, tri ân công đức của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Từ đầu tháng 7 đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tham gia lễ cầu siêu tại tỉnh Quảng Trị, cùng với Hội di sản văn hóa Việt Nam đi 6 nghĩa trang trong cả nước là Côn Đảo, Phú Quốc, Củ Chi, Điện Biên, Lạng Sơn, Hà Giang để rước chân linh các anh hùng liệt sĩ về nghĩa trang 27/7 tại Đại Từ, Thái Nguyên.Song song với công việc chung của toàn Giáo hội, Ban trị sự Phật giáo các tỉnh cũng tổ chức các lễ cầu siêu để tri ân các anh hùng liệt sĩ. Chẳng hạn như ở Hà Giang, Ban trị sự Phật giáo tỉnh kết hợp với Hội cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên tổ chức lễ cầu siêu và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Vị Xuyên vào ngày 1/7/2017. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách để tri ân các anh hùng liệt sĩ, góp phần thực hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" rất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Phóng viên:Cá nhân Hòa thượng đã đến các nghĩa trang và tham dự lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ, hòa thượng có cảm nhận thế nào về sự hy sinh, mất mát của các thế hệ người Việt Nam cho nền độc lập của tổ quốc?
Hòa thượng Thích Gia Quang:
Khi đến các nghĩa trang, ví dụ như nghĩa trang Trường Sơn ở Quảng Trị, nghĩa trang Điện Biên, Hà Giang… chúng tôi rất xúc động. Ở đó có hàng hàng, lớp lớp các ngôi mộ của các anh hùng liệt sĩ, trong đó có rất nhiều liệt sĩ không có tên. Chúng tôi vừa xúc động, vừa bùi ngùi.Dân tộc Việt Nam chúng ta có câu “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ”. Tôi rất thấm thía câu nói đó vì các thương binh liệt sĩ đã hy sinh cả cuộc đời của mình, có người hy sinh một phần xương máu, để lại nỗi đau cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội. Vì vậy, việc tri ân công đức của các anh hùng liệt sĩ trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc là điều chúng ta phải làm và không được phép quên.
Chúng tôi luôn luôn khắc cốt, ghi tâm rằng, mình phải làm việc gì đó, dù là nhỏ nhất để thể hiện tấm lòng tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho tổ quốc, mang lại hòa bình cho dân tộc nói chung, trong đó có những người tu sĩ như chúng tôi.
Lễ cầu siêu do Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. |
Phóng viên: Thưa hòa thượng, việc tổ chức Lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ có ý nghĩa như thế nào trong đời sống tâm linh?
Hòa thượng Thích Gia Quang: Lễ cầu siêu có ý nghĩa quan trọng vì trong nghi lễ của phật giáo có lễ cầu an và lễ cầu siêu. Cầu an là cầu cho người sống được bình yên, mạnh khỏe. Cầu siêu là cầu cho những người quá cố được siêu thoát, được sinh về một thế giới tốt đẹp hơn như thế giới của đức Phật, nghĩa là vong linh ấy được hưởng hạnh phúc ở một thế giới khác. Cho nên, lễ cầu siêu rất quan trọng, nhất là cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ, cho những người không may đã mất trong chiến tranh.
Lễ cầu siêu sẽ làm cho những người đã mất được thanh thản hơn. Phật giáo chúng tôi làm những việc như vậy với cái tâm của mình để tri ân những người đã hy sinh vì sự nghiêp bảo vệ tổ quốc. Người mất được thanh thản và người sống cũng được hạnh phúc hơn.
Phóng viên: Năm nay, ngoài lễ cầu siêu, Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn tham gia lễ rước chân linh các anh hùng liệt sĩ. Hòa thượng có thể nói rõ hơn về nghi lễ này?
Hòa thượng Thích Gia Quang: Tôi được chứng kiến và dự lễ đó 2 lần. Lần thứ nhất là khi kỷ niệm 60 năm ngày thương binh liệt sĩ. Hoạt động này cũng nhằm mục đích tri ân các anh hùng liệt sĩ. Chúng tôi rước chân linh các anh hùng liệt sĩ về thủ đô, tức là Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn, gần lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi lại rước về khu di tích lịch sử quốc gia 27/7 ở Đại Từ-Thái Nguyên, nơi đánh dấu sự ra đời của Ngày thương binh liệt sĩ ở nước ta. Việc làm đó rất có ý nghĩa để đưa các anh hùng liệt sĩ về với cội nguồn và tôi tin là chân linh các anh sẽ rất phấn khởi.
Phóng viên: Xin cảm ơn Hòa thượng./.