Ngày 19/10 vừa qua, tại Đà Nẵng, 54 học sinh nghèo Việt Nam đã được nhận chứng chỉ kết thúc 2 năm học miễn phí chuyên ngành máy tính và tự tin đi tìm việc làm.

chu-tich-cau-noi-so.jpg
Ông Benoit Genuini - Người sáng lập tổ chức "Cầu nối số
Khóa học do tổ chức "Cầu nối số"tài trợ và tổ chức. Có một điều ít ai biết rằng vị Chủ tịch người Pháp tận tụy và gần gũi, trực tiếp bay từ Paris về trao chứng chỉ cho các em lại từng là một nhà lãnh đạo cao cấp của một tập đoàn lớn toàn cầu. Vì sao khi ở đỉnh cao của sự nghiệp, con người này lại quyết định từ bỏ để đi làm từ thiện giúp đỡ những học sinh nghèo Việt Nam, cũng như một số quốc gia châu Á nghèo khác? Phóng viên VOV thường trú tại Pháp giới thiệu về tổ chức Passerelles numériques (Cầu nối số) và vị chủ tịch sáng lập đặc biệt của tổ chức này.

Nhân viên "Cầu nối số" tại trụ sở làm việc ở Paris

"Những đứa con lớn của tôi thì hiểu được nhưng những đứa sau bé hơn thì không hiểu và cho rằng bố nó bị điên. Chúng nghĩ tôi bị điên thật đấy, vì không hiểu sao tôi lại quyết định thay đổi cuộc đời kiểu như thế. Nhưng lúc đó, tôi chỉ nghĩ rằng mình may mắn có một sự nghiệp tốt đẹp và thuận lợi, kiếm được khá nhiều tiền và đã đến lúc, mình phải làm điều gì đó để đền đáp lại cuộc đời".

Đó là tâm sự của ông Benoit Genuini về phản ứng trong gia đình ông cách đây 8 năm, khi ông quyết định từ bỏ vị trí giám đốc điều hành tại Pháp của Accenture, một trong 4 tập đoàn hàng đầu thế giới hiện nay về công nghệ, tư vấn với hơn 250.000 nhân viên có mặt tại khoảng 100 quốc gia, để thành lập tổ chức từ thiện mang tên Passerelles numériques (Cầu nối số).

Nắm giữ vị trí lãnh đạo ở tầm cao suốt 10 năm và nổi tiếng trên toàn nước Pháp, ông Benoit đã không ngại bắt đầu lại, xoay xở từ vị trí đi thuê văn phòng đến việc sử dụng uy tín cá nhân bao nhiêu năm để tìm nguồn tài trợ cho các hoạt động từ thiện. Mục đích là để tạo một «cầu nối số» cho các học sinh nghèo tại Việt Nam, tại Campuchia và Philippines có thể được tiếp cận giáo dục cấp cao về công nghệ thông tin và có được một hành trang để tự tin tìm việc làm.

Tiến trình chọn lựa sinh viên của tổ chức Passerelles numériques khá chặt chẽ, để đảm bảo chọn được những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng thật sự có năng lực học tập, quyết tâm vươn lên.

"Chúng tôi đã đến nhiều nơi ở miền Trung Việt Nam, từ Huế vào Quảng Nam cho tới Tây nguyên, chúng tôi giới thiệu với người dân về tổ chức Passerelles numériques. Chúng tôi đã tới gặp chính quyền địa phương, và đến các trường trung học, tập hợp những em có nguyện vọng trải qua cuộc thi tuyển của chúng tôi. Thi tuyển về toán, tiếng Anh, về tin học. Những em nào có kết quả thi tốt, chúng tôi giữ lại và tiến hành hỏi vấn đáp để biết về nguyện vọng, sự quyết tâm của các em. Và sau đó, chúng tôi làm một cuộc điều tra xã hội để xác minh về hoàn cảnh của các em và ưu tiên chọn các em có gia đình khó khăn thực sự, nhưng khao khát được học tập", ông Benoit cho biết.

Điều đặc biệt quan trọng là trong 2 năm được tài trợ học tập và ăn ở miễn phí, các em được học cả về những kỹ năng sống trong xã hội, các kiến thức về quản trị doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường, kỹ năng làm việc theo nhóm… Đây có lẽ là điểm ông Benoit được tiếp thu từ quá trình học tập tại trường Bách Khoa nổi tiếng ở Pháp - trường đã đào tạo ra nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới, nhiều nhà khoa học xuất sắc, trong đó phải kể đến tiến sỹ toán học Ngô Đắc Tuấn của Việt Nam.

Ông Benoit Genuini, Chủ tịch (thứ 2 từ phải sang) và PGS TS Trần Văn Nam, (thứ 3 từ phải sang) Hiệu trưởng trường ĐH Đà Nẵng tại lễ trao chứng chỉ tốt nghiệp.

Thêm vào đó, với kiến thức và kinh nghiệm lãnh đạo ở tầm cao, ông Benoit đã trực tiếp cùng các giảng viên thiết kế chương trình học sát với yêu cầu của các doanh nghiệp, trong đó trực tiếp cho sinh viên đi thực tập 1 tháng vào cuối năm đầu tiên và 4 tháng vào cuối năm thứ hai tại các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ thông tin tại nước sở tại, rồi dạy các em kỹ năng chuẩn bị hồ sơ xin việc và trả lời phỏng vấn.

Mặc dù vậy, cũng không phải đơn giản mà một tổ chức non trẻ, với một tờ chứng chỉ sau chương trình đào tạo chỉ có 2 năm, lại thuyết phục được các doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ thông tin tại Campuchia, Philippines và cả Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, tổ chức Passerelles numériques đã kết hợp với các trường đại học chính quy, như Đại học Đà Nẵng, phối hợp trong giảng dạy và chứng nhận.

Chương trình đào tạo dù ngắn nhưng khá bài bản, toàn diện, thực tế, sát với nhu cầu của doanh nghiệp; chứng chỉ được công nhận bởi một trường chính quy, tất cả đã khiến Passerelles numériques đạt được hiệu quả cao với những khóa học đầu tiên. Từ con số 25 sinh viên đầu tiên tại Campuchia vào năm 2005 rồi thêm 25 em tại Philippines vào năm 2006, đến năm học 2012-2013, tổ chức đào tạo cho tổng cộng 537 sinh viên tại ba nước.

Các cuộc khảo sát tại Campuchia và Philippines cho thấy có tới 92% các sinh viên được tuyển dụng ngay trong 2 tháng sau khi nhận chứng chỉ. Và thu nhập của các em cao hơn từ 2 - 5 lần mức lương tối thiểu tại nước sở tại.

Các học sinh tại lễ tốt nghiệp

Trò chuyện với phóng viên VOV, ông Benoit bày tỏ hài lòng với kết quả đào tạo của tổ chức Passerelles numériques tại Việt Nam: “Đất nước Việt Nam, thực sự có truyền thống hiếu học, các gia đình dù nghèo cũng tập trung cho con cái vào việc học, các em thực sự khao khát được học tập. Đây thực sự là nơi tuyệt vời để thúc đẩy một tổ chức từ thiện về giáo dục. Dĩ nhiên, khả năng nói tiếng Anh của các em lúc đầu còn chưa tốt, các em rất rụt rè, nhưng sau 2 năm, các em đã thay đổi và cải thiện thực sự đấy. Chương trình học chỉ có 2 năm nên khá dày đặc và nặng, nhưng các em đã cố gắng rất nhiều”.

Đúng như ông Benoit tâm sự, rằng 8 năm qua, ông không kiếm thêm được đồng nào về cho gia đình, nhưng ông lại "bội thu" về nhiều mặt, đã sống có ý nghĩa cho xã hội và cho chính bản thân mình./.