Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) với 437/441 đã được Quốc hội thông qua với 89% đại biểu tán thành.

Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về dự thảo Luật Thuỷ sản sửa đổi, Một trong những điểm quan trọng củaLuật Thủy sản (sửa đổi) là Thẩm quyền cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển. Theo đó, Luật quy định,Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam trong phạm vi vùng biển từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm đến 06 hải lý thuộc phạm vi quản lý.

phan_xuan_dung_ezpt.jpg
Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng (ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam trong khu vực biển ngoài 06 hải lý, khu vực biển giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khu vực biển nằm đồng thời trong và ngoài 06 hải lý.

Chính phủ quy định việc cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Ngoài ra, trong Luật Thủy sản (sửa đổi), điều 95 đề cập đến việcđiều động, huy động lực lượng, phương tiện trong hoạt động kiểm ngư. Theo đó,trong trường hợp khẩn cấp, cần thiết phải tăng cường lực lượng, phương tiện để kịp thời ngăn chặn vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản:

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành lệnh điều động lực lượng, phương tiện thuộc quyền quản lý; đề nghị Bộ trưởng các Bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan huy động lực lượng, phương tiện;

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành lệnh điều động, huy động lực lượng, phương tiện của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Tổ chức, cá nhân được huy động lực lượng, phương tiện phải chấp hành lệnh điều động của người có thẩm quyền.

Cơ quan điều động, huy động phải thanh toán chi phí cho tổ chức, cá nhân được điều động, huy động theo quy định của Bộ Tài chính; tổ chức, cá nhân khi thực hiện lệnh điều động, huy động nếu bị thiệt hại thì được đền bù; cá nhân nếu hy sinh, bị thương thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về người có công./.