Theo Nhà Chùa, nội tự chùa có 6 hộ dân lấn chiếm đất chùa, từ năm 1984 đến nay Nhà Chùa liên tục có đơn đề nghị chính quyền xã Tứ Liên giải quyết tranh chấp đất đai. Năm 1995, căn cứ theo mốc giới năm 1960, chính quyền xã Tứ Liên có biên bản xác định 6 hộ dân thuộc đất nội tự chùa Tứ Liên.Trong số các hộ gia đình có đất thuộc nội tự chùa Tứ Liên, hộ gia đình bà Lê Thị Len và hộ gia đình ông Nguyễn Tiến Lượng. Biên bản xác định hộ ông Lượng sử dụng thửa đất có số ô thửa là 119 nhưng hiện trạng nhà thuộc về đất chùa.

chua_tu_lien_vov_2_aejq.jpg
Mặt trước chùa Tứ Liên và căn nhà 171 Âu Cơ vi phạm trật tự xây dựng.

Năm 2003, con trai bà Len là Nguyễn Tiến Mạnh đã bán mảnh đất tại địa chỉ 171 Âu Cơ cho gia đình ông Ngô Văn Hưng và bà Phạm Thị Kiều Hạnh khi mảnh đất vẫn đang có tranh chấp khiếu kiện.

Năm 2010, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo việc thu hồi đất của gia đình bà Phạm Thị Kiều Hạnh tại địa chỉ 171 Âu Cơ và giao đất tái định cư cho gia đình bà Hạnh tại khu đất 18,6 ha phường Phú Thượng, quận Tây Hồ.

Đáng quan ngại là sau khi được giao đất tái định cư, hộ gia đình ông Hưng, bà Hạnh lại có giao dịch mua 42 m2 đất tại địa chỉ 173 Âu Cơ của ông Nguyễn Tiến Lượng, sau đó tách thửa mang tên Ngô Thế Duy. Đây cũng là thửa đất thuộc 6 hộ gia đình đang có tranh chấp với chùa Tứ Liên. Điều khó hiểu là trong khi 5 hộ gia đình chưa được cấp sổ đỏ với lý do có khiếu kiện thì riêng trường hợp hộ gia đình ông Nguyễn Thế Lượng lại được cấp sổ đỏ.

 

Khu vực bị lấn chiếm vị trí sát với các tháp mộ nơi yên nghỉ của các nhà sư.

Ni sư Thích Đàm Đoan, trụ trì chùa Tứ Liên cho biết, từ những năm 80 của thế kỷ trước Nhà Chùa cùng nhân dân tín đồ phật tử mong mỏi chờ đợi được chính quyền giải quyết việc đất chùa Tứ Liên bị lấn chiếm, xây dựng. Đặc biệt, năm 2015 UBND quận Tây Hồ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình ông Nguyễn Tiến Lượng là một trong 6 hộ có tranh chấp đất nội tự chùa. Nhà Chùa thắc mắc việc gia đình ông Lượng được cấp GCN quyền sử dụng đất ở trên đất nội tự của chùa nhưng phía Nhà Chùa không được thông báo (không có chữ ký xác nhận liền kề của Nhà Chùa, không dán thông báo tại địa chỉ cấp sổ đỏ, không công khai thông báo trên loa đài) có đúng quy trình thiết lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu?

Nhà Chùa cho rằng, việc cấp Giấy phép xây dựng tạm 4 tầng do ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ ký cho ông Ngô Thế Duy là sai. Nhà Chùa vẫn liên tục có đơn thư kiến nghị, tại sao lại cấp phép xây dựng?

Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, ông Lê Văn Thủy - Phó Chủ tịch phường Tứ Liên khẳng định, Luật Đất đai không quy định phải lấy ý kiến hộ liền kề mà chỉ cần công khai thông báo, tại thời điểm thông báo UBND phường không nhận được khiếu nại.

Ông Thủy cho biết: “Trong 15 ngày chúng tôi niêm yết không có ai đưa ý kiến lên phường sau đó kết thúc niêm yết công khai khẳng định là trong thời gian này không có đơn thư”. Các hình thức đơn thư bưu điện và tiếp dân chúng tôi đều không nhận được. Nếu ở bộ phận tiếp dân nhận được đơn thư sẽ phải thực hiện thủ tục vào sổ đóng dấu đã tiếp nhận đơn thư. Đường bưu điện thì phải có cuống trở lại”.

 

Cảnh quan nhếch nhác không phù hợp với chốn tôn nghiêm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngay khi khởi công công trình, chủ đầu tư đã ngang nhiên cố tình vi phạm trật tự xây dựng, làm trái giấy phép xây dựng được cấp ngay từ lúc đổ móng. Cụ thể: tại Biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm tại số 173 Âu Cơ, do ông Ngô Thế Hưng đứng tên chủ đầu tư, được tổ trật tự xây dựng phường Tứ Liên thiết lập ngày 25/4/2016, khẳng định: chủ đầu tư đã tiến hành đào móng, ép 3 đài cọc bê tông cốt thép. Việc thi công ép cọc không có trong bản vẽ được duyệt, chưa có giấy phép của cơ quan chuyên ngành quy định tại điểm d, khoản 1, điều 25 của Luật Đê điều có hiệu lực từ ngày 1/7/2007.

Cùng ngày, UBND phường Tứ Liên ban hành Quyết định số 65 đình chỉ thi công xây dựng với công trình này do đã có hành vi vi phạm xây dựng công trình sai phép quy định tại khoản 2, điều 5 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 7/12/2007 của Chính phủ, đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan cắt điện nước đối với công trình này; cấm phương tiện vận chuyển vật tư, vật liệu và người lao động vào thi công.

Quyết định cũng nêu rõ 3 ngày kể từ khi ban hành Quyết định này nếu chủ đầu tư không tự phá dỡ bộ phận công trình, công trình vi phạm thì bị cưỡng chế phá dỡ.

Trước đó, Thanh tra xây dựng địa bàn phường Tứ Liên cũng đã 2 lần lập biên bản đối với công trình này vào các ngày 19 và 23/4/2016.

Thế nhưng kể từ ngày UBND phường Tứ Liên ban hành Quyết định số 65 đến nay đã kéo dài gần 20 tháng, phần vi phạm trật tự xây dựng không những bị chủ đầu tư “phớt lờ” không tự tháo dỡ mà còn cả chính quyền phường Tứ Liên cũng “làm ngơ” không tổ chức cưỡng chế tháo dỡ.

Phía Nhà Chùa cho biết, vào lúc 23h45 ngày 7/12/2017, gia đình ông Ngô Thế Duy lại tiếp tục có hành vi xây dựng trái phép trên phần đất nội tự chùa Tứ Liên, hiện nay là một ngôi nhà sắt 2 tầng lợp mái tôn có điện nước, giường ngủ và khóa cổng cửa đầy đủ đang có thể được đưa vào sử dụng.

 

Theo Ni sư Thích Đàm Đoan, bức tường trước mặt được xây vội làm hàng rào ngăn khu đất của Nhà Chùa khi nhà sư đi vắng.

Trao đổi với phóng viên VOV ngày 28/12/2017, ông Lê Văn Thủy, Phó Chủ tịch phường Tứ Liên lại cho rằng vào ban ngày 7/12, hộ gia đình này có chuyển 1 bàn uống nước, 1 tủ thờ con vào trong và tháo 1 tấm vách tôn phía đằng sau và để nguyên từ đó đến nay.

Lãnh đạo phường Tứ Liên cho biết: “Trước đây trong nhà là hố móng do bị dừng thi công chủ công trình chưa làm được gì mới quây tôn xung quanh. Hố móng này thấp hơn lòng đường 5m. Vừa rồi họ đặt ván gỗ cho bằng với mặt đường 5m sau đó đưa tủ và bộ bàn ghế vào chứ làm gì có điện mà làm đêm nhưng cũng có thể người ta xin điện bên cạnh mình không biết. Hiện khóa cửa không ai ở”.

Ghi nhận của phóng viên, sáng 28/12 công trình 171 Âu Cơ mang hình dáng một ngôi nhà, quây tường, lợp mái tôn, phía trên có khung sắt. Phía trong nhà vẫn có người. Đặc biệt, vị trí không chỉ công trình này mà còn có nhiều căn nhà tạm bợ, lụp xụp, nhếch nhác, bẩn thỉu nằm liền sát vị trí khu tháp mộ yên nghỉ của các vị sư trụ trì. Về mặt tâm linh, những hình ảnh này rất phản cảm đối với chốn tín ngưỡng tôn giáo.

Theo lãnh đạo phường Tứ Liên, giải quyết dứt điểm vụ việc trên không dễ, đã kéo dài suốt gần 20 năm. Hiện UBND Thành phố Hà Nội đang chỉ đạo đo hiện trạng toàn bộ xung quanh và khuôn viên chùa đang sử dụng, sau đó khớp nối bản đồ từ năm 1960, 1986, 1994 để phân định rõ như thế nào. Tiếp đó, lập hồ sơ di tích đối với nhà chùa để khoanh vùng xếp hạng di tích.

Để giải quyết dứt điểm ý nguyện của Nhà Chùa cũng như nhân dân và phật tử, trả lại sự tôn nghiêm cho chùa Tứ Liên, Thành phố Hà Nội cần sớm chỉ đạo quận Tây Hồ lấy ý kiến người dân quy hoạch khu đất trên làm vườn hoa, cây xanh. Trong đó thu hồi toàn bộ khu đất xung quanh chùa, bố trí cho các hộ gia đình tái định cư nơi ở mới. Đây là những việc làm cần thiết để chùa Tứ Liên làm cơ sở phân loại lập hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử văn hóa và khoanh vùng bảo vệ di tích; xứng đáng giá trị cảnh quanh tâm linh tôn giáo của một ngôi chùa có lịch sử 400 năm kể từ niên đại trùng tu./.