Năm học 2020 – 2021, “Chương trình Giáo dục phổ thông mới” bắt đầu được triển khai thực hiện đối với lớp 1. Dù còn nhiều khó khăn về kinh phí và cơ sở vật chất, nhưng ngành giáo dục thành phố Cần Thơ vẫn triển khai để kịp khai giảng năm học mới.

Báo cáo của Sở GD&ĐT Cần Thơ, việc triển khai đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông đang thực hiện theo đúng lộ trình của Bộ GD&ĐT, đảm bảo hiệu quả và phù hợp với tình hình, điều kiện của thành phố. Cụ thể, các trường tiểu học  đã hoàn thành lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong năm học 2020-2021, 100% giáo viên dạy lớp 1 năm học này được tập huấn trước năm học mới.

Mặc dù đạt được một số kết quả khả quan, nhưng ngành giáo dục vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: tỷ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn đào tạo còn khá cao; một số vùng nông thôn chưa đáp ứng cho học sinh học 2 buổi/ ngày do cơ sở vật chất còn thiếu chưa đủ phòng học (theo thống kê từ nay đến 2025, thành phố còn thiếu gần 400 phòng học phục vụ cho 2 buổi trên ngày), kinh phí mua sắm trang thiết bị còn nhiều khó khăn…

Ông Vương Công Khanh, Phó Chủ tịch UBND quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ cho biết: “Quận muốn đưa vào chương trình đầu tư công trung hạn thì không được tại cơ sở vật chất không thể đưa vào sườn xây dựng cơ bản được. Nếu không chuẩn bị, có lộ trình rõ ràng, năm sau mình cũng góp nhặt từ nguồn kinh phí cấp dư…thì rất khó. Tôi cũng kiến nghị Sở Tài chính, Sở Kế hoạch Đầu tư cần có chỉ đạo hướng dẫn chung để tất cả các quận, huyện có dự toán, có nguồn chính thức kéo dài đến năm 2025”.

Theo ông Nguyễn Văn Sang, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ: Huyện hiện có 39 trường từ cấp học mầm non đến THPT, năm học mới 2020 - 2021, dù địa phương đảm bảo được 100% phòng học để giảng dạy 2 buổi/ ngày cho học sinh lớp 1, nhưng thực tế vẫn còn nhiều hạn chế.

“Dạy 2 buổi/ ngày đối với các trường tiểu học thì phòng học đủ, nhưng phòng bộ môn còn thiếu, ví dụ như phòng tin học, phòng tiếng Anh. Chúng tôi cũng thiếu giáo viên dạy bộ môn tiếng Anh, thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 hiện tại cũng chưa được trang bị đầy đủ”, ông Sang nói.

1111

Là quận trung tâm, những năm qua, Ninh Kiều đã tích cực chuẩn bị và đến nay cơ bản hoàn tất các điều kiện về cơ sở vật chất, phòng học, đội ngũ cán bộ giáo viên phục vụ Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Bà Lâm Thanh Liễu, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều cho biết: Bên cạnh những khó khăn còn tồn tại, các trường vẫn đang tích cực đề xuất giải pháp để hoàn thành Chương trình đúng tiến độ, hiệu quả.

1111

“Về phía thành phố, chúng tôi cũng đề nghị xem xét cấp thêm kinh phí để mua sắm bổ sung, thay thế bàn ghế học sinh, mua máy vi tính phục vụ giảng dạy bộ môn, trang bị máy chiếu, ti vi. Về biên chế giáo viên, tỷ lệ 1,5 giáo viên/ lớp đối với trường tiểu học khi tổ chức dạy 2 buổi/ ngày như hiện nay là không đủ, nên chúng tôi đề xuất bổ sung biên chế giáo viên cho các trường theo định biên”, bà Liễu cho hay.

Thành phố Cần Thơ hiện có 327/455 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt gần 72% (trong đó cấp tiểu học có 141/176 trường). Tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ ngày đạt gần 87%.

 Theo bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Cần Thơ: Qua việc chuẩn bị điều kiện thực hiện Chương trình trong 5 năm, Sở đã tham mưu cho UBND thành phố đề án đảm bảo cơ sở vật chất. Đề án này dựa trên những đợt khảo sát trực tiếp tại các địa phương, thông qua đó đề xuất biện pháp phối hợp với các sở, ngành có liên quan như: tài chính, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường…để nhanh chóng giải quyết phòng học, thiết bị còn thiếu.

11111

“Đề án mà Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND thành phố, chúng tôi có tính luôn dự báo phát triển cho 5 năm tới theo cách tăng dân số cơ học. Để làm sao trong 5 năm tới, việc tăng dân số theo đặc điểm của thành phố Cần Thơ vẫn đảm bảo được việc thực hiện Chương trình, đó là đảm bảo học 2 buổi/ngày, giáo viên phải đúng định mức cho từng cấp học. Chúng tôi cố gắng thực hiện đúng quan điểm của Chính phủ là “có học sinh là phải đảm bảo đủ giáo viên”, bà Thắm khẳng định.

Khó khăn là điều không tránh khỏi khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, song với nỗ lực không ngừng cùng sự chuẩn bị chu đáo, mạng lưới trường lớp trên địa bàn Cần Thơ sẽ ngày càng phân bổ phù hợp; cơ sở vật chất từng bước được cải thiện, các phòng học đảm bảo tiêu chí sáng, xanh, sạch, đẹp an toàn, từng bước thực hiện hiệu quả chương trình sách giáo khoa, Giáo dục phổ thông mới./.