Từ 20 đến 24/6, Bộ Công thương tổ chức các hội nghị lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực 2004 lần lượt tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM.

Thực tiễn thi hành Luật Điện lực năm 2004 đến nay đã bộc lộ những bất cập, đặt ra những thách thức cho ngành Điện trong thời gian tới, nhất là khi triển khai thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh (bắt đầu áp dụng từ ngày 1/7/2011).

Còn nhiều lỗ hổng

Thực tế theo Luật Điện lực, do không phải cam kết, không áp dụng các chế tài xử lý như trong cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà thầu làm chủ đầu tư, nên hầu hết các chủ đầu tư không tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt về thu xếp vốn, về hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, thiết kế, mua sắm, xây lắp... Do vậy, hầu hết các dự án nguồn điện bị chậm tiến độ, tổng mức đầu tư không hợp lý, có nhiều khó khăn, phức tạp trong việc kiểm soát giá trị đầu tư, chất lượng của thiết bị công nghệ, nhất là các thiết bị phụ của các tổ máy nhiệt điện.

dien-luc.jpg
Luật Điện lực còn nhiều bất cập cần sửa đổi

Theo ông Đàm Tiến Thắng, Trưởng Phòng Năng lượng (Sở Công thương Hà Nội), quản lý nhà nước về hoạt động điện lực đang gặp khó khăn. Trong Luật Điện lực lại chưa phân cấp rõ bộ quản lý mức độ nào, địa phương quản lý thế nào dẫn đến chồng chéo, cái thì quá “chặt”, cái thì quá “lỏng”; Nhiều quy định vẫn còn chờ hướng dẫn của Bộ… nên không quản lý được.

Luật Điện lực quy định nghĩa vụ các đơn vị phân phối điện thực hiện đầu tư lưới điện, đầu tư công tơ cho bên mua trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Từ qui định này, ông Đàm Tiến Thắng đề nghị, trong Luật nên bỏ cụm từ “thỏa thuận khác” mà thay vào đó là các phương án cụ thể. Bởi “thỏa thuận khác” là “bó tay” không quản lý được, các bên đã và sẽ làm việc rất tùy tiện.

Cùng quan điểm này, ông Đỗ Mai – PGĐ Sở Công thương Vĩnh Phúc cho rằng “thỏa thuận khác” là có vấn đề. Quy định này tạo ra dạng giảm khó khăn cho cho bên bán điện và tạo kẽ hở cho bên đầu tư khiến họ có thể từ chối đầu tư.

Theo ông Đỗ Mai, ở Vĩnh Phúc đã có hiện tượng này. Hiện quy hoạch đã được phê duyệt và thực hiện thì lưới trung áp là điện lực phải đầu tư nhưng rất nhiều điểm cần đầu tư thì điện lực từ chối làm với lý do không có vốn.

“Chúng tôi cũng chia sẻ với điện lực vì họ là công ty kinh doanh thì cũng cần có thu xếp về vốn nhưng lộ trình thực hiện như vậy thì không được. Khi bức xúc, cần thiết quá thì tỉnh phải ứng vốn ra và rồi không thu được vốn dù rằng trong luật có quy định về những “thỏa thuận khác” về vốn. Thực chất là khó thu hồi vốn. Như vừa rồi chúng tôi xây xong bệnh viện nhưng không có điện. Điện lực nói bệnh viện  không có trong quy hoạch nên không có điện. Thực chất quy hoạch của tỉnh là quy hoạch về nguồn lưới cao thế chứ không phải các phụ tải này. Khi quay trở lại không có tiền thì anh ép tỉnh phải ứng vốn ra. Với câu “thỏa thuận khác” trong luật như vậy nhưng sinh ra rất nhiều vấn đề”- ông Mai nói.

Cũng theo ông Mai, việc kiểm tra giám sát công tác về điện rất mờ nhạt, khó thực hiện. Luật ra đời có hướng dẫn rồi nhưng không phát huy được tác dụng, bên sử dụng có nhiều phản ánh, bức xúc trong khi cơ quan quản lý không xử lý được. Việc Luật Điện lực ra đời thực hiện vướng rất nhiều do luật không kín kẽ, đưa ra những điều kiện, chính sách để địa phương và cơ sở khó thực hiện.

Tranh cãi câu chuyện về giá

Theo đánh giá của Bộ Công thương, sau khi Luật Điện lực có hiệu lực, thị trường điện lực ở Việt Nam chủ yếu vẫn là độc quyền tự nhiên, giá điện chưa được mở ra theo cơ chế thị trường, nguồn điện thường xuyên thiếu hụt so với nhu cầu tiêu thụ. Do vậy, tác động của Luật Điện lực còn rất hạn chế. Cụ thể, Luật đã quy định về nguyên tắc hoạt động, các cấp độ hình thành và phát triển thị trường điện lực cạnh tranh, nhưng chưa quy định rõ mô hình của từng cấp độ thị trường. Luật cũng chưa quy định rõ chức năng, nhiệm vụ giám sát vận hành thị trường điện và chưa giao cho cơ quan nào thực hiện. Thời gian qua mới thực hiện thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh trong nội bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong điều kiện thiếu điện, do vậy việc chào giá, định giá mới mang tính chất tập dượt, chưa mang tính hiệu quả kinh tế tài chính.

Bên cạnh đó, chính sách giá điện chưa thể hiện được cơ chế thị trường, vẫn thể hiện sự bù chéo giữa các nhóm đối tượng khách hàng sử dụng điện và giữa các vùng; chưa đảm bảo cho đơn vị điện lực thu hồi vốn đầu tư, các chi phí sản xuất kinh doanh và có lợi nhuận hợp lý để phát triển bền vững; nhất là chưa khuyến khích được các thành phần kinh tế trong nước, nước ngoài đầu tư phát triển nguồn điện; chưa thúc đẩy cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan sử dụng điện tiết kiệm.

Về vấn đề giá điện, ông Đàm Tiến Thắng cho rằng, với chính sách giá như Thông tư 05 (quy định vềgiá bán buônvà bán lẻ điện) nơi nào có sản xuất là “chết”, bởi qui định mức chênh lệch không sát thực tế.

Ông Đỗ Mai cũng khẳng định: “Thông tư 05 có vấn đề, chỉ phục vụ một bộ phận người tiêu dùng. Ba bậc đầu rất thấp nhưng từ bậc 4 khoảng cách rất lớn. Bên cạnh đó, các HTX hoạt động điện lực sẽ chết vì không đủ chi phí so với tổn hao điện áp. Trước đây điện lực được tính tổn hao 9,25% nhưng khi tiếp nhận lưới điện nông thôn thì tổn hao tối thiểu phải là 15% nhưng giá mua bán lại được qui định rất thấp, không đủ khấu hao”. Ông Mai cho rằng, đây là chính sách “bức tử” các đơn vị kinh doanh điện nông thôn.

Bên cạnh đó, theo EVN, giá bán nhiều khi không đảm bảo cho bên bán điện. Vì vậy, ông Dương Quang Thành – PTGĐ EVN đề nghị cần qui định rõ phần bù giá được lấy từ nguồn nào.

Ông Nguyễn Khắc Sơn – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại cho rằng: "Luật Điện lực qui định về thị trường điện và giá điện. Tuy nhiên, trong luật qui định chủ yếu cho người tiêu dùng chứ chưa có qui định cụ thể cho các nhà máy phát điện”.

Chính vì vậy, một khó khăn mà Phả Lại vấp phải nhiều năm nay mà vẫn chưa được giải quyết, đó là chênh lệch tỷ giá trong khi phần hao hụt này lại chưa được tính vào giá bán điện. “Hiện nay, Chính phủ cho phép tất cả chênh lệch tỷ giá sẽ được phép phân bổ trong 5 năm để không gây ra lỗ nhưng để có lợi nhuận thì hiện nay chưa kiểm soát được vì chênh lệch tỷ giá đồng yên Nhật vẫn hiện hữu” – ông Khắc Sơn nói.

Theo ý kiến các chuyên gia ngành điện, rất cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực./.