Theo báo cáo từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sau những năm đổi mới, lực lượng lao động đã tăng gấp đôi, từ 27 triệu năm 1986 lên 51,4 triệu, tính hết quý II/2022. Mặc dù vậy, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như, cung lao động còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.
Trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động mặc dù được cải thiện trong thời gian qua, song vẫn còn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động và so với các nước trên thế giới, đây là điểm nghẽn cho phát triển thị trường lao động chất lượng cao; Việt Nam đang ở thời kỳ dân số “vàng” nhưng chất lượng nguồn nhân lực không cao khi tỷ lệ qua đào tạo thấp. Hiện, chỉ có hơn 26% người lao động đã qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ, còn lại phần lớn thiếu kỹ năng, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường.
Tình trạng này dẫn đến nghịch lý, nhiều doanh nghiệp “khát” lao động trong khi số lao động thất nghiệp vẫn tăng cao và rất nhiều người lao động vẫn loay hoay đi tìm việc làm.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, không thể phủ nhận, thị trường lao động Việt Nam khá dồi dào vì nhiều lao động trẻ, thông minh, khéo tay. Thế nhưng, những lao động này phần lớn chưa được đào tạo bài bản hoặc mới chỉ được đào tạo với chất lượng thấp hoặc thiếu các kỹ năng về kinh tế số, công nghệ thông tin, sử dụng nền tảng công nghệ cao. Do đó, thị trường lao động hiện nay đang vừa thừa, vừa thiếu. Thừa lao động giản đơn nhưng thiếu các lao động có tay nghề, chất lượng cao.
Ông Doanh nêu lên một thực tế, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài chia sẻ rằng, khi tuyển dụng lao động là người Việt Nam, phần lớn họ đều phải đào tạo lại từ 3-6 tháng. Đơn cử, doanh nghiệp Nhật Bản khi tuyển dụng lao động, họ đều phải đưa sang Nhật Bản đào tạo lại, rồi sau đó đưa về Việt Nam làm việc. Thế nhưng, luật lao động của Việt Nam không đảm bảo việc, về Việt Nam rồi thì phải làm việc cho Nhật Bản trong thời gian bao lâu để hoàn vốn. Bởi có thể về khi trở về Việt Nam, nếu thấy doanh nghiệp khác trả lương cao hơn thì lao động đó lại “nhảy việc”. Đây là điều mà nhiều nhà tuyển dụng nước ngoài đang tâm tư, quan ngại.
“Để khắc phục tình trạng này, cần nhanh chóng kết hợp giữa các cơ sở đào tạo, trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp để các cơ sở đào tạo đào tạo đúng chất lượng, đào tạo đúng ngành nghề đối với các doanh nghiệp, tránh việc đào tạo ra rồi đến khi đi làm doanh nghiệp phải đào tạo lại; Cần cố gắng cải thiện tốt hơn nữa thị trường lao động, môi trường lao động để đáp ứng các yêu cầu của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài”, ông Lê Đăng Doanh cho hay.
Về phía đơn vị kết nối, nhà tuyển dụng và người lao động, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, mỗi tháng, số người tìm việc làm qua trung tâm khoảng 2.000 người, số lao động tìm được việc làm khoảng 1.000 người. Công tác tuyển dụng lao động đáp ứng được yêu cầu chưa bao giờ dễ dàng, nhất là với vị trí quản lý lại càng đòi hỏi về trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức tổng hợp rất cao.
Ông Thành nhận định, từ nhiều năm nay, thị trường lao động Việt Nam rất thiếu lực lượng lao động có chất lượng cao, trình độ cao có thể đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Ngoài trình độ thì kiến thức xã hội, khả năng giao tiếp cũng là một vấn đề lớn khi tuyển dụng. Có một thực tế tồn tại nhiều năm nay, nhiều sinh viên mới ra trường khi đi tuyển dụng, kỹ năng giao tiếp rất hạn chế, những kiến thức cơ bản để phục vụ cho công việc khi được nhà tuyển dụng “phỏng vấn” thì rất lơ ngơ, phản ứng chậm…
Riêng tại Hà Nội, nguồn nhân lực chất lượng cao không hẳn là quá thiếu nhưng cũng chỉ dừng lại ở những phân khúc, lĩnh vực ngành nghề cụ thể khác nhau.
“Qua các hoạt động của trung tâm, chúng tôi cũng tiếp cận với doanh nghiệp, trường đào tạo, cơ sở đào tạo, người lao động, đồng thời có những chia sẻ và nhìn nhận rất cụ thể. Ví dụ, trao đổi với doanh nghiệp tập trung đào tạo những phân khúc như thế nào? Gắn với doanh nghiệp ra làm sao, gắn với các vị trí việc làm cụ thể như thế nào, kể cả những nội dung của chương trình đào tạo, để đào tạo nên một người thợ có trình độ, kinh nghiệm. Điều này đòi hỏi nhiều thời gian và kỹ năng, các cơ sở cũng cần có sự đầu tư nhất định để tiếp tục đào tạo lao động”, ông Vũ Quang Thành nói.
Cũng theo ông Thành, để có được những lao động có chất lượng, tay nghề cao thì cần triển khai gắn giữa đào tạo với các cơ sở và doanh nghiệp. Đây là điều hết sức cần thiết. Khi được đào tạo gắn trực tiếp với doanh nghiệp, với các vị trí việc làm cụ thể thì người lao động được đào tạo ra sẽ trực tiếp làm việc tại các lĩnh vực đó và tiếp tục phát triển trên các vị trí việc làm với những kỹ năng liên quan. Như vậy, người lao động sẽ từng bước tiếp cận tiếp nhận các vị trí việc làm và mức độ sẵn sàng cũng cao hơn rất nhiều, chất lượng lao động, năng suất lao động cũng sẽ cao hơn. Điều này sẽ đáp ứng được tình trạng doanh nghiệp thiếu phân khúc lao động khác nhau trên các trình độ khác nhau.
Phía các cơ sở đào tạo, thị trường phải tiếp cận với những phân tích, dự báo thị trường, tiếp cận trực tiếp với các doanh nghiệp để có nội dung hay chương trình đào tạo phù hợp trong điều kiện hiện tại cũng như trong tương lai để gắn chặt với thị trường lao động hơn. Như vậy, các lực lượng lao động là sinh viên sau khi được đào tạo xong ra trường, chắc chắn sẽ tiếp cận với các vị trí việc làm dễ dàng hơn và có thể đảm nhận được các vị trí việc làm một cách tốt nhất, đem lại hiệu quả cao nhất.
Đề cập đến giải pháp cho thị trường lao động hiện nay, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực. Đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Cùng với đó, cần sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tổ chức thực hiện các biện pháp để giải quyết nhu cầu thiếu nhân lực cục bộ, giảm sự mất cân đối cung - cầu lao động./.