Đại diện Hội Tái chế Việt Nam cho rằng, thời gian tới sẽ có nhiều hồ sơ xin xét duyệt hỗ trợ chi phí. Trong khi đó, cơ quan có thẩm quyền thì nhân lực có hạn, rất khó để vừa thẩm định vừa giải ngân kịp thời hỗ trợ cho các đơn vị, tổ chức tham gia hoạt động tái chế, xử lý chất thải. Vì vậy, phải có phương án khả thi để thực hiện, nếu không dễ dẫn đến tình trạng quá tải hồ sơ xin hỗ trợ, từ đó nảy sinh cơ chế xin – cho, gây thiếu công bằng.
Ông Nguyễn Quốc Dũng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam cho rằng, việc quản lý và sử dụng khoản đóng góp của doanh nghiệp, các khoản hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải nếu theo cơ chế xin cho có nhiều bất cập, gây khó khăn cho các tỉnh xa. Ngoài ra, các tiêu chí xét duyệt, mức hỗ trợ, thời hạn giải ngân cần được được quy định rõ ràng.
Ông Dũng kiến nghị, cần bố trí một số đại diện của các hiệp hội doanh nghiệp, đơn vị xử lý và tổ chức xã hội vào hội đồng giám sát việc sử dụng quỹ này. Qua đó nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn vốn đóng góp của doanh nghiệp, giúp các hoạt động hỗ trợ chi phí hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Quốc Dũng nói: "Nên có ít nhất một đại diện của hiệp hội doanh nghiệp trong nước cho mỗi ngành hàng chủ lực tại Việt Nam, một đại diện cho các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, một đại diện cho một đơn vị tái chế, một đơn vị cho một đơn vị xử lý chất thải, một đại diện cho VCCI với tư cách một tổ chức xã hội".
Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đơn vị vẫn đang ghi nhận các ý kiến đóng góp để sửa đổi, hoàn thiện dự thảo "Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải”./.