Chị N.T.T (Mỹ Đình 2, Mỹ Đình, Hà Nội) có 4 con, trong đó có 3 cháu trong độ tuổi tiêm chủng vaccine Covid-19. Theo chị T, cả nhà chị đều mắc Covid-19 và điều trị tại nhà nay đã khỏi. 2 anh chị đã tiêm vaccine đủ 2 mũi trở lên, chị cũng đã đăng ký cho 3 con được tiêm chủng khi Hà Nội triển khai tiêm ngừa cho trẻ từ 5-11 tuổi. Thế nhưng chị vẫn cảm thấy phân vân, lo lắng không biết nên chuẩn bị gì cho các con trước và sau tiêm chủng để có thể hạn chế phần nào các phản ứng phụ, nếu có.
“Khi có lịch tiêm chủng cho trẻ từ 5-11 tuổi, tôi sẽ đưa con đi tiêm ngay. Thế nhưng trẻ con và người lớn sẽ có những cách chuẩn bị trước và sau tiêm khác nhau cũng như biểu hiện sau tiêm. Vì thế bản thân tôi mong muốn các con được chuẩn bị về mọi mặt trước khi tiêm chủng, hạn chế các phản ứng phụ sau tiêm”, chị T chia sẻ.
Trao đổi về vấn đề này, TS.BS Phạm Quang Thái – Trưởng văn phòng tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc – Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết: “Lần đầu đưa con em đi tiêm vaccine phòng Covid-19, cha mẹ hẳn sẽ có chút lo lắng. Điều quan trọng là cha mẹ, người chăm sóc cần cập nhật thông tin từ những nguồn đáng tin cậy như cơ quan y tế địa phương, Bộ Y tế, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế thế giới về vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em”.
Cha mẹ cần chuẩn bị gì trước và sau khi con đi tiêm?
Theo TS.BS Phạm Quang Thái, khi đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng Covid-19, cha mẹ và người chăm sóc cần lưu ý: Tìm hiểu đầy đủ về tác dụng của tiêm vaccine phòng Covid-19 đối với trẻ; trước khi đưa trẻ đi tiêm, cần chuẩn bị tâm lý thật tích cực cho trẻ; cho trẻ ăn đủ no; ký giấy đồng ý cho trẻ tiêm vaccine phòng Covid-19; tại điểm tiêm chủng, cần thực hiện đúng các hướng dẫn của cán Bộ Y tế; ở lại điểm tiêm chủng 30 phút sau khi tiêm và thông báo ngay với cán bộ y tế khi trẻ có dấu hiệu bất thường.
“Để giúp trẻ thoải mái hơn khi đi tiêm chủng, các gia đình hãy trao đổi với trẻ trước khi đi tiêm chủng; cho trẻ ăn uống đầy đủ tránh để trẻ bị đói, khát trước khi tiêm; nhắc để trẻ hiểu và thực hiện đúng quy định 5K tại điểm tiêm để phòng tránh lây nhiễm SARS-CoV-2. Ngoài ra, tùy từng điểm tiêm chủng cha mẹ nên chuẩn bị cho trẻ đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu và mang theo sổ tiêm chủng của trẻ. Trẻ cũng không cần dừng các loại thuốc điều trị đang uống khi tiêm vaccine và cũng không cần trì hoãn lịch tiêm chủng các loại vaccine khác”, TS.BS Phạm Quang Thái cho biết.
Sau khi về nhà, để trẻ nghỉ ngơi, hạn chế vận động mạnh như tập thể thao trong 3 ngày sau tiêm, cho trẻ uống nhiều nước, ăn đủ dinh dưỡng, tránh các loại thực phẩm chứa chất kích thích. Trẻ có thể sốt, sưng, đau tại vết tiêm… vì đây là những phản ứng thông thường sau khi tiêm vaccine. Tuy nhiên cần thường xuyên theo dõi nhiệt độ cho trẻ.
Nếu trẻ sốt dưới 38 độ C cần cởi bớt quần áo cho trẻ thoáng mát, chườm/lau cơ thể cho trẻ bằng nước ấm. Nếu nhiệt độ trên 38 độ C cha mẹ cho trẻ dùng thuốc theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Ngoài ra, tại vị trí tiêm khi thấy bị sưng, đau, nổi cục, có các dấu hiệu bất thường cha mẹ cần tiếp tục theo dõi nếu thấy sưng to không được chườm hoặc đắp bất kỳ thứ gì vào mà cần đưa đi khám ngay tại các cơ sở y tế. Lưu ý theo dõi nếu trẻ có các dấu hiệu nặng, nguy hiểm sau tiêm, nếu có cần liên hệ ngay với cơ sở tiêm chủng để đưa trẻ đi khám kịp thời.
“Gia đình cũng đóng vai trò rất quan trọng khi theo dõi trẻ tại nhà sau tiêm. Các trẻ từ 5-11 tuổi đa phần hiếu động, chưa biết bày tỏ sự khó chịu, các bất thường của cơ thể. Trong khi đó, các phản ứng sau tiêm có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, có thể vào ban đêm khi gia đình đã đi ngủ. Vì vậy, phụ huynh cần theo dõi thật sát, để ý, động viên trẻ sau tiêm”, TS.BS Phạm Quang Thái lưu ý.
Những lưu ý khi trẻ 5-11 tiêm vaccine Covid-19
Theo TS.BS Phạm Quang Thái, các phản ứng phụ có thể gặp ở trẻ gồm đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm... Các phản ứng này là một phần của đáp ứng miễn dịch nhưng có thể nhầm lẫn với các triệu chứng bệnh khác. Do đó, khi cơ thể trẻ có bất thường không nhất thiết đúng theo bảng hướng dẫn, cha mẹ nên tham khảo ý kiến thầy thuốc và đưa con tới cơ sở y tế gần nhất.
Nếu trẻ đang có bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển như sốt, nhiễm trùng, hóa trị ung thư, viêm đa cơ quan (MIS-C, thường biểu hiện bằng sốt, phát ban, mắt đỏ…)... nên hoãn tiêm cho đến khi khỏi bệnh. Trẻ mắc Covid-19 có triệu chứng vẫn cần thiết tiêm chủng để được bảo vệ tốt hơn tuy nhiên thời điểm tiêm cách thời gian mắc khoảng 3 tháng. Nếu trẻ có tiền sử dị ứng, rối loạn tri giác, có hội chứng tăng động, giảm chú ý... thì cần thận trọng khi tiêm. Trẻ có bệnh tim bẩm sinh, khám sàng lọc thấy tim phổi bất thường... nên được đưa đến tiêm chủng tại các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên./.