Trạm y tế online chia sẻ áp lực cho trạm y tế truyền thống
Tính từ 1/11/2021 đến nay trên địa bàn phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) có 300 trường hợp dương tính với Covid-19. Hiện nay đang điều trị gần 100 trường hợp.
Nhận thấy diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp, áp lực đè nặng lên các cán bộ y bác sĩ của trạm y tế và để đảm bảo sức khỏe cũng như khả năng cho các bác sĩ chiến đấu với dịch bệnh lâu dài, phường Trúc Bạch đã thành lập trạm y tế online. Trạm online được mở ra với hy vọng chăm sóc các F0 cũng như hỗ trợ các F1 đang cách ly tại nhà tốt hơn vừa đảm bảo an toàn, vừa ổn định tâm lý và đáp ứng đầy đủ tất cả các nhu cầu phát sinh dành cho người dân đang phải cách ly tại nhà.
Theo ông Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch, việc thành lập trạm y tế online cũng là biện pháp vừa đảm bảo chăm sóc về sức khỏe thể chất và cũng là việc chăm sóc về sức khỏe tinh thần cho người dân.
“Bởi đây đó, trên địa bàn TP. Hà Nội, trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh rằng khi người dân gọi điện đến trạm y tế thì máy bận hoặc không liên lạc được. Chúng tôi hiểu rằng việc người dân khó tiếp cận được lực lượng y tế địa phương không phải là các bác sĩ thờ ơ hoặc không có trách nhiệm mà bộ phận cơ sở cũng đang có sự quá tải. Điện thoại của các bác sỹ liên tục đổ chuông trong ngày, cũng vì thế mà người dân khi gọi điện tới thì không liên lạc được. Điều này sẽ tạo nên tâm lý bức xúc hoặc họ cảm thấy tủi thân khi không được quan tâm hỗ trợ. Chính vì thế, việc mở thêm một kênh online để người dân có thể chia sẻ mong muốn được tư vấn, hỗ trợ bất cứ lúc nào. Đây chính là biện pháp góp phần giúp bệnh nhân ổn định tâm lý để chiến thắng dịch bệnh”, ông Nguyễn Dân Huy cho biết.
Trạm y tế online hoạt động như thế nào?
Mô hình trạm y tế online được thành lập với 4 tổ. Tổ thứ nhất là tiếp nhận thông tin của người dân phản ánh, sau đó tổ này sẽ phân loại và chia cho các tổ còn lại. Tổ thứ 2 là đảm bảo nhu yếu phẩm và hỗ trợ các nhu cầu khác cho người đang cách ly. Tổ thứ 3 là chăm sóc và điều trị F0. Tổ thứ tư là tổ hỗ trợ sau khi bệnh nhân khỏi bệnh với chức năng giải quyết về các thủ tục hành chính liên quan đến bảo hiểm, các giấy tờ liên quan sau khi bệnh nhân hoàn thành điều trị, đặc biệt là đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe chu đáo để giảm thiểu di chứng hậu Covid-19.
Về việc quản lý và vận hành trạm y tế online ngoài đội ngũ cán bộ của UBND phường, các tình nguyện viên còn có sự hỗ trợ của hai bác sĩ Bệnh viện Hồng Ngọc và 5 bác sĩ của Bệnh viện Phổi Trung ương. Họ là những người sẵn sàng đồng hành với hoạt động của trạm 24/7 và giải đáp mọi thắc mắc, các nhu cầu, các đề nghị chăm sóc sức khỏe của nhân dân cũng như các bệnh nhân.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, quản trị viên Fanpage hay là những người trong ca trực sẽ tiếp nhận dữ liệu bệnh nhân thông qua tin nhắn, bình luận tương tác trên trang. Sau đó, ca trực sẽ phân loại thông tin. Những vấn đề thuộc về thẩm quyền của UBND phường như giải quyết các thủ tục hành chính hay những vấn đề trong tầm hiểu biết thì đội trực sẽ giải đáp luôn. Còn nếu bệnh nhân cần được hỗ trợ về dinh dưỡng, thuốc thang thì ca trực đó sẽ xin tư vấn từ bác sỹ để giải đáp kịp thời cho F0 và cập nhật lên fanpage để mọi người cùng tiếp cận.
Là một cán bộ tư pháp, chị Đào Lan Phương chẳng bao giờ nghĩ rằng có lúc bản thân mình lại được làm công việc như một tổng đài viên, lại vừa như một chuyên gia tư vấn về sức khỏe. Bởi ngoài công việc hành chính tại phường, chị cũng dành thời gian ngồi trực Fanpage “Trạm Y tế online phường Trúc Bạch” để tiếp nhận thông tin và giải đáp mọi thắc mắc của bệnh nhân. Công việc này đã giúp chị có được những kỷ niệm vô cùng đáng nhớ.
“Khoảng 22h30' tối, có một bà mẹ có con nhỏ 6 tuổi là F0 đã gọi điện tới trạm y tế online “cầu cứu”. Nghe giọng chị ấy qua điện thoại, tôi cảm nhận được rằng người mẹ này đang rất hoang mang và lo lắng. Bản thân là một công chức, việc đầu tiên tôi có thể làm là trấn an tinh thần, động viên hỏi thăm tình hình sức khỏe của cháu bé. Sau đấy tôi đã liên hệ với trạm trưởng y tế để có sự tư vấn sâu hơn về chuyên môn. Đến sáng hôm sau, tình hình cháu bé đã ổn định”, chị Phương kể.
Theo chị Phương, khi mới bắt tay vào công việc này chị cũng gặp một số khó khăn nhất định đó là về chuyên môn nghiệp vụ.
“Thế nhưng qua sự thăm hỏi thường xuyên với bệnh nhân cùng sự tư vấn từ bác sỹ của trạm y tế online và đặc biệt là quá trình tự tìm tòi, trau dồi kiến thức, đến nay tôi có thể tự tin giải đáp được những thắc mắc mà bệnh nhân cần hỗ trợ”, chị Lan Phương chia sẻ.
Trạm y tế online hỗ trợ kịp thời tới các F0 điều trị tại nhà
Anh B.M.Đ trú tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình là một F0 đang thực hiện cách ly điều trị tại nhà. Ngay sau khi phát hiện bản thân có những dấu hiệu của virus SARS-CoV-2, anh B.M.Đ đã mua bộ test Covid-19. Sau khi có kết quả dương tính, anh đã thực hiện cách ly tại nhà riêng.
Vì lo ngại y tế phường quá tải, nên anh B.M.Đ đã tham khảo thông tin trên mạng xã hội và biết tới mô hình trạm y tế online ở phường Trúc Bạch.
“Tôi nhắn tin đến fanpgae của trạm y tế online và được hỗ trợ rất nhanh. Ngay sau đó tôi được lấy mẫu bệnh phẩm, được phát thuốc điều trị Covid-19. Hiện tại sức khỏe của tôi hoàn toàn bình thường, đã lấy lại được vị giác và khứu giác”, anh B.M.Đ chia sẻ.
Anh B.M.Đ là một trong số những trường hợp F0 đang điều trị tại nhà nhận được sự hỗ trợ từ đội ngũ trạm online. Bởi từ khi thành lập, trạm y tế online phường Trúc Bạch đã nhận được hàng trăm lượt tương tác và phản hồi trên trang fanpage, thậm chí nhiều người nước ngoài và người dân của các phường, quận khác cũng thông qua kênh này để đề nghị được tư vấn hỗ trợ.
Với những người gây dựng và vận hành trạm y tế online, ngoài việc chia sẻ áp lực cho chính nhân lực y bác sĩ tại trạm y tế truyền thống của phường, đội ngũ này còn mong muốn chia sẻ thêm được nhiều sẻ được áp lực cho các trạm y tế của các phường khác./.