vov_cau_vinh_tuy_bac_qua_song_hong_2_qlou.jpg
Cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng, phía đầu cầu bên trung tâm Hà Nội nằm ở địa phận phường Vĩnh Tuy, thành phố Hà Nội, nối quận Hai Bà Trưng và quận Long Biên.
Khởi công xây dựng ngày 3/2/2005, dự kiến khánh thành tháng 5/2007. Nhưng đến 6/9/2010, cầu Vĩnh Tuy mới chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng.
Chiều dài tuyến chính cầu dài 5.800 m, phần vượt sông dài 3.700 m. Mặt cầu Vĩnh Tuy hiện rộng 19m, đã được quy hoạch mở rộng trong giai đoạn hai là 38m.
Ở giai đoạn 1, dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy đã hoàn thành gồm một cầu phía thượng lưu với bề rộng mặt cắt ngang 19m và đường dẫn hai đầu cầu có tổng mức đầu tư 3.597 tỷ đồng.
Giai đoạn 2 của dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy được UBND TP. Hà Nội phê duyệt với quy mô hoàn thiện toàn bộ mặt cắt cầu bằng một cây cầu nữa với thiết kế và hình dáng giống như cầu Vĩnh Tuy trước đó với chiều dài cầu khoảng 3.504 m, bề rộng 19,2 m, có tổng mức đầu tư khoảng 2.561 tỷ đồng bằng nguồn vốn đầu tư ngân sách Thành phố.
UBND TP. Hà Nội vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Thành phố sang hình thức PPP (công-tư), hợp đồng BT (xây dựng-chuyển giao) của dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) với tổng số tiền lên đến hơn 2.560 tỷ đồng.
Hà Nội cũng đề nghị cho phép được lựa chọn nhà đầu tư theo cơ chế đặc thù để đàm phán, ký kết hợp đồng dự án và chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả lựa chọn; cho phép nhà đầu tư được lựa chọn hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, trình phê duyệt điều chỉnh đồng thời với phê duyệt phương án chuyển đổi hình thức đầu tư dự án.
Khi được Thủ tướng chấp thuận các nội dung đề xuất trên, UBND TP. Hà Nội sẽ chỉ đạo hoàn thiện thủ tục để có thể khởi công dự án trong năm 2017, sớm thực hiện hoàn thành dự án, góp phần giải quyết nhu cầu giao thông trên tuyến, tạo diện mạo văn minh đô thị.
Theo thiết kế dự kiến ban đầu, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 nằm song song cầu cũ, 2 mép cầu cách nhau 2 m về phía hạ lưu sông Hồng, dài hơn 3,5 km, bắt đầu từ điểm giao với đường Trần Quang Khải - Nguyễn Khoái - Minh Khai, kết thúc tại điểm giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, mặt cầu rộng 19,2m.
Trước đó, cầu Vĩnh Tuy hoạt động góp phần rút ngắn lộ trình từ trung tâm thành phố ra quốc lộ 5 đi Hải Phòng, Quảng Ninh khoảng 3 km, giảm tải cho cầu Chương Dương và Long Biên.