Chuyến thăm nhằm mục đích xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa hai nước nói riêng, và nhân dân ba nước Đông Dương nói chung, trong việc khắc phục những hậu quả nặng nề do chất độc da cam/dioxin mà Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Trong buổi làm việc chiều 23/5 tại thủ đô Phnom Penh với Hội Phụ nữ Campuchia vì Hòa bình và Phát triển, các nhà khoa học trong đoàn công tác của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trình bày báo cáo về việc, trong những năm 1960 và 1970, quân đội Mỹ đã rải xuống những cánh rừng của Việt Nam, Lào và Campuchia khối lượng cực lớn chất diệt cỏ độc hại.

Chỉ riêng khu vực miền Nam Việt Nam đã phải hứng chịu 80 triệu lít chất diệt cỏ, trong đó phần lớn là chất độc da cam có chứa lượng dioxin cao nhất, làm gần 5 triệu người bị phơi nhiễm.

Những tài liệu của quân đội Mỹ mới được giải mật do các nhà khoa học Việt Nam trình bày tại cuộc gặp chiều nay cũng cho thấy, quân đội Mỹ đã trực tiếp rải khá nhiều chất độc da cam xuống Campuchia và Lào, đặc biệt là vùng sát biên giới với Việt Nam, để lại những hậu quả vô cùng nặng nề đối với môi trường và đặc biệt là với sức khỏe con người khi gây ra các căn bệnh như ung thư và dị tật ở các thế hệ sau này.

Đại diện của Hội Nạn nhân Chất độc da cam/dioxin Việt Nam khẳng định, hiện tại chính là thời điểm thuận lợi để nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia liên kết với nhau, đấu tranh đòi công lý và quyền lợi cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở cả ba nước, trong bối cảnh cách đây 50 năm quân đội Mỹ bắt đầu sử dụng chất độc da cam trong cuộc chiến tranh tại Đông Dương.

Bà Men Sam An- Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Campuchia- Chủ tịch Hội Phụ nữ Campuchia vì Hòa bình và Phát triển, bày tỏ cảm thông với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam. Bà Men Sam An khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, nhằm đòi quyền lợi và công lý cho các nạn nhân, khắc phục những hậu quả nặng nề mà chất độc da cam/dioxin gây ra đối với môi trường và nhân dân ba nước Đông Dương.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cũng kiến nghị phía Campuchia có biện pháp tổ chức và nghiên cứu toàn diện hậu quả của chất độc da cam đối với nhân dân các địa phương Campuchia; trên cơ sở đó phối hợp với Việt Nam hành động chung trong các sự kiện và diễn đàn khu vực cũng như quốc tế, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam./.