Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật quảng cáo do Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày sáng 21/6 cho biết, một số ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi. Ý kiến khác lại đề nghị cần quy định cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ. Nhà nước Việt Nam cũng khẳng định rằng sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh trong những năm đầu tiên.
Tuy nhiên, theo số liệu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, năm 2010, ở Việt Nam, chỉ 19,6% trẻ dưới 6 tháng tuổi được bú mẹ hoàn toàn. Điều này có nghĩa là có đến trên 80% số trẻ nhỏ cần phải sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ. Theo quy định của Bộ Luật Lao động được sửa đổi bổ sung, chế độ nghỉ thai sản cũng chỉ được 6 tháng.
Như vậy, việc cho trẻ bú mẹ hoàn toàn từ khi trẻ 6 tháng tuổi đến dưới 24 tháng tuổi rất khó khả thi. Hơn nữa, hiện nay, pháp luật về y tế đang quy định nghiêm cấm quảng cáo sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, thức ăn dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình bú với đầu vú nhân tạo và núm vú giả dưới mọi hình thức.
Do đó, để bảo đảm lợi ích và nhu cầu chính đáng của bà mẹ và trẻ em, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo bổ sung vào khoản 4 Điều 7 Dự thảo Luật quy định cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo.
Cấm quảng cáo rượu trên 15 độ
Về quảng cáo rượu, một số ý kiến đề nghị cấm quảng cáo rượu hoàn toàn vì rượu là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị chỉ nên cấm quảng cáo rượu có nồng độ cồn trên 15 độ.
Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng, theo quy định của WHO, các loại đồ uống có chứa cồn bao gồm: Bia có nồng độ cồn nhỏ hơn hoặc bằng 5 độ, rượu nhẹ có nồng độ cồn từ 12 đến 15 độ và rượu nặng có nồng độ cồn từ trên 20 độ.
Theo quy định của Thông tư 45/2010/TT-BYT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống có cồn do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành thì rượu mạnh có độ cồn không dưới 15 độ.
Như vậy, nếu cấm quảng cáo rượu hoàn toàn, vô hình chung sẽ cấm quảng cáo toàn bộ đồ uống có cồn, bao gồm cả bia và rượu nhẹ, trong đó có một số đồ uống tốt cho sức khỏe (như các loại rượu vang, đồ uống dinh dưỡng...).
Hơn nữa, đa số các tai nạn giao thông xảy ra do người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu nặng. Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giữ nguyên quy định cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên như trong Dự thảo Luật.
Sau khi nghe Báo cáo tiếp thu giải trình ý kiến của các đại biểu, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Dự thảo Luật Quảng cáo với 484 đại biểu tán thành (chiếm 97,39%) trong tổng số 487 đại biểu tham gia biểu quyết./.