Từ ngày 1/8/2017, trên thẻ BHYT chỉ in “Giá trị sử dụng: từ ngày.../.../....” thay vì ghi thời hạn sử dụng từ ngày, tháng, năm đến ngày, tháng, năm như trước đây. Việc cấp, phát thẻ BHYT theo hướng kéo dài, hợp lý hơn, không cấp, phát theo từng năm, vì một số đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo thì không cần phải giới hạn thời hạn sử dụng thẻ mà nên cấp cho họ với thời hạn nhất định, chỉ khi họ chuyển công tác thì mới thu, đổi cấp mới thẻ BHYT, nhằm giảm bớt TTHC, tiết kiệm chi phí, đồng thời hạn chế tình trạng người bệnh phải chờ đổi thẻ BHYT để đi khám, chữa bệnh.

Để biết thẻ BHYT còn hay hết hạn sử dụng, người có thẻ truy cập vào cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam, sau đó điền các thông tin cần khai báo sẽ nhận được thông tin về thẻ của mình.

tra_cuu_the_bhyt_xhth.jpg
Cách tra cứu thông tin thẻ BHYT

Tuy nhiên, việc áp dụng đại trà qui định này đang khiến một số đối tượng gặp khó khăn, vướng mắc. Bà Nguyễn Thị Hạnh ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), tham gia BHYT tự nguyện cho biết: Vì tôi không biết sử dụng công nghệ thông tin, không biết tra cứu thông tin thẻ, lại thỉnh thoảng mới sử dụng thẻ để khám bệnh nên không để ý đến thời gian nào thì phải nộp tiếp. Trước đây, tôi đã có lần đến cơ quan BHXH nộp tiền BHYT bị chậm 1 tháng nên đến bây giờ dù đã tham gia BHYT 10 năm rồi nhưng vẫn chưa đủ điều kiện 5 năm liên tục. Bây giờ không ghi thời điểm hết hạn tôi lo là mình lại tiếp tục quên. Đây là thiệt thòi rất lớn cho những người như chúng tôi, chỉ vì nhớ nhớ quên quên chứ không phải do mình không tham gia.

Thời gian qua, nhiều người băn khoăn, lo lắng vì khi nhận thẻ BHYT chỉ ghi thời hạn có hiệu lực mà không biết khi nào hết hạn sử dụng. Chẳng may, khi bị ốm đau, cấp cứu, vào bệnh viện mà thẻ không còn giá trị sử dụng thì không biết xoay sở thế nào.

Ông Phạm Văn Toàn – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) cho biết: “Việc quy định mẫu thẻ và nội dung ghi trên thẻ do BHXH Việt Nam quy định, hiên nay việc cấp thẻ đang chuyển dần sang thẻ điện tử và BHXH Việt Nam đang có các bước thử nghiệm . Việc không in thời gian thẻ hết hạn dẫn đến khó khăn cho người dân, bệnh viện. Việc này Bộ Y tế cũng đang xem xét để đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam điều chỉnh”.

Theo  BHXH Việt Nam, người có thẻ BHYT hết hạn khi đang khám chữa bệnh không nhiều, tập trung chủ yếu vào nhóm đối tượng người lao động đã hết hợp đồng lao động hoặc cơ quan chậm đóng BHYT và rơi vào thời điểm chuyển giao giữa các năm. Ngoài ra, nhóm đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình có thể không theo năm tài chính, nên khi hết hạn thì quên hoặc không tham gia tiếp. Với nhóm đối tượng hộ gia đình khi gần hết hạn thẻ BHYT, cần tiếp tục mua ngay thẻ BHYT, giá trị sử dụng thẻ sẽ nối tiếp với thẻ cũ và quyền lợi BHYT của họ được liên thông. Với người lao động đóng BHYT, họ cần đề nghị ngay với cơ quan của mình xem đã mua tiếp BHYT hay chưa, nếu đã tham gia rồi nhưng chưa đến thời hạn được nhận thẻ BHYT thì yêu cầu cơ quan BHXH xác nhận đã gia hạn BHYT để đảm bảo quyền lợi BHYT. Đối với các nhóm đối tượng phải lập danh sách chuyển cơ quan BHXH mới được cấp thẻ (như người nghèo, bảo trợ xã hội, người có công, người sống ở xã đảo, huyện đảo…) thì vẫn được đảm bảo quyền lợi đến hết đợt điều trị.Với các bệnh nhân sắp hết hạn thẻ BHYT, cần chủ động liên lạc với cơ quan BHXH để đăng ký mua tiếp. Trong trường hợp đang điều trị tại bệnh viện, người nhà bệnh nhân có thể đến BHXH Việt Nam tại địa phương để gia hạn thẻ. Chỉ cần bệnh nhân có giấy hẹn của cơ quan BHXH xác nhận đang chờ cấp thẻ mới thì vẫn được hưởng quyền lợi đầy đủ. Được biết, BHXH Việt Nam đang xem xét phương án phát hành thẻ BHYT trong ngày cho bệnh nhân đang điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh khi thẻ BHYT hết hạn sử dụng nhằm bảo đảm thuận lợi tối đa quyền lợi, tạo điều kiện cho người bệnh.

 Trong các trường hợp vướng mắc về quyền lợi, bệnh nhân và người nhà liên lạc với đường dây nóng của BHXH Việt Nam 1900969668 để được hướng dẫn cụ thể./.