Ứng phó hoàn lưu bão số 7, các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên và Hà Giang đang tập trung khắc phục thiệt hại do mưa của hoàn lưu bão số 6 gây ra, đồng thời triển khai các phương án sơ tán dân những khu vực có nguy cơ sạt lở cao.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 6, mưa to kéo dài đã gây ngập, lụt cục bộ tại một số tỉnh miền núi phía Bắc. Báo cáo chưa đầy đủ của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên cho biết, đến sáng nay, nước đã rút, nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt do đất đá sạt trượt đã được khắc phục thông tuyến trở lại. Toàn tỉnh Bắc Kạn có hơn 160 ngôi nhà bị tốc mái, có 3 nhà phải di dời khẩn cấp. Mưa lớn cũng làm cho hơn 490 ha lúa, hoa màu, ao nuôi thủy sản bị ngập.
Các địa phương tích cực ứng phó với hoàn lưu bão số 7 (ảnh minh họa) |
Tại tỉnh Thái Nguyên – địa phương có 2 người chết do lũ cuốn trôi ngày 25/8 vừa qua, đã cử nhiều đoàn công tác đi trực tiếp chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ. Ông Nguyễn Thành Nam, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các lực lượng giao thông cắm biển cảnh báo những khu vực nguy hiểm, huy động máy móc, trang thiết bị di chuyển đất đá những khu vực sạt lở.
Những vị trí có nguy cơ tiếp tục sạt lở đã sẵn sàng phương án ứng phó. Những điểm sạt lở đất ảnh hưởng đến mạng lưới điện ở huyện Định Hóa, Đại Từ đã yêu cầu ngành điện rà soát đảm bảo an toàn cho hệ thống cấp điện. Các hồ chứa trên địa bàn các huyện này đã đầy, đã yêu cầu xả nước, sẵn sàng phương án di dân khi tiếp tục có mưa lớn xảy ra.
Riêng tại tỉnh Hà Giang, mưa lớn làm 1 người bị lũ cuốn trôi ngày 24/8 tại xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên; 7 nhà ở huyện Bắc Mê, 4 nhà ở thành phố Hà Giang phải di dời khẩn cấp. Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kịp thời cập nhật tình hình lụt bão, thiệt hại về người và tài sản; kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời cảnh báo nhân dân không chủ quan khi đi qua sông, suối, đập tràn khi đang có lũ quét, tránh thiệt hại đáng tiếc về người…
Ông Thèn Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Su Phì cho biết, ngoài tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, ứng phó mưa của hoàn lưu bão số 7, huyện tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, phân công cán bộ thường vụ xã, thôn kiểm tra các trọng điểm xung yếu; cắm các biển báo nguy hiểm ở bờ kênh, suối sâu, đặc biệt yêu cầu lực lượng công an, dân quân tự vệ canh gác tại các ngầm, tràn khi nước lũ lên.
Kêu gọi tàu thuyền vào nơi an toàn (ảnh minh họa) |
“Sau khi có thông tin về cơn bão số 7, huyện đã yêu cầu chính quyền cơ sở triển khai các phương án. Quan trọng nhất hiện nay là tuyên truyền cho người dân, kiên quyết và quyết liệt di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, cần thiết sẽ phải cưỡng chế. Nêu cao tinh thần của người đứng đầu là các chủ tịch xã, bí thư chi bộ thôn, bản thường xuyên liên lạc bằng điện thoại và nhắn tin trên mạng nội bộ liên tục cảnh báo và yêu cầu nắm chắc diễn biến mưa bão để kịp thời xử lý khi tình huống xấu xảy ra”- ông Thèn Ngọc Minh nói.
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cảnh báo, mưa của hoàn lưu bão số 7 cộng hưởng với mưa của hoàn lưu bão số 6 rất nguy hiểm. Các địa phương không chủ quan trong ứng phó, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc.
Miền Trungdùng còi cảnh báo người dân vùng hạ du khi lũ về
Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng gây mưa lớn, các địa phương khu vực Nam Trung bộ đang tập trung rà soát lại các hồ đập xung yếu; tuyên truyền nâng cao ý thức người dân chủ động phòng chống mưa lũ.
Đến thời điểm này, áp thấp nhiệt đới vẫn gây mưa ở hầu hết các tỉnh miền Trung. Hiện, một số tỉnh đang tăng cường quản lý, rà soát các hồ chứa đảm bảo thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa. Tại tỉnh Phú Yên, địa phương này yêu cầu các hồ đập có dung tích chứa nước từ 3 triệu đến 5 triệu mét phải xả nước để đón lũ.
Hiện Nhà máy Thủy điện sông Ba Hạ vẫn đang tiến hành xả nước để đón lũ. Bên cạnh đó, tỉnh Phú Yên phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại gửi tin nhắn đồng loạt khi nước lên, nước xuống đối với các khu vực dân cư ven sông, vùng hạ lưu và ven hồ đập để người dân và chính quyền địa phương có phương án chủ động phòng tránh.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: “Để tránh tình trạng người dân đi vớt củi thì chúng tôi có hệ thống còi cảnh báo dọc theo các tuyến, lưu vực sông có độ nguy hiểm cao, gần các khu dân cư đông và gần các tuyến đường đi qua đi lại sông và bến đò có còi cảnh báo để tránh tái diễn chuyện đó. Đến giờ này mọi chuyện đã chuẩn bị tốt”.
Còn tại tỉnh Khánh Hòa, các địa phương ven biển yêu cầu các hộ dân đang nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè phải tiến hành gia cố, chằng néo, nhận chìm lồng bè để đảm bảo an toàn tài sản, đồng thời, sẵn sàng sơ tán tất cả người làm việc trên biển vào đất liền khi có yêu cầu. Các tuyến du lịch, tham quan đến các đảo trong các vịnh cũng hạn chế nhận khách, kiên quyết không cho xuất bến những tàu, thuyền không đảm bảo an toàn.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện có khoảng 3 vạn lồng bè, cùng hàng ngàn người dân nuôi các loài thủy sản giá trị cao như: tôm hùm, cá mú… trên địa bàn. Chính quyền thành phố đã yêu cầu người dân rời lồng bè vào bờ trong chiều 27/8.
Lồng bè trên địa bàn thành phố Cam Ranh chủ yếu là lồng chìm chứ không phải lồng nổi, người dân dìm lồng xuống sát mặt nước, rồi gia cố chằng chống lại. Địa phương đã thông báo cho toàn thể bà con là 15h chiều 27/8 sẽ triển khai lực lượng để di dời tất cả phải vào bờ./.
Hoàn lưu cộng hưởng bão số 7 và số 6 rất nguy hiểm