Hôm nay (6/6), tại thôn Chàm, xã Đông Tiến, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang xảy ra cháy 10 ha rừng tái sinh. Địa phương huy động 400 người tổ chức dập tắt đám cháy lúc 15h cùng ngày.

Còn tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình cũng xảy ra cháy rừng tạp. Chính quyền địa phương huy động các lực lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy, bộ đội, dân quân, người dân và 5 kíp xe chữa cháy, tổ chức dập tắt đám cháy lúc trưa 6/6.

chay2_ugqe.jpg
Hiện trường vụ cháy rừng tại địa bàn huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.
Trước đó, đáng chú ý là tại núi Dền, thuộc địa bàn thôn Hoa Sơn, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội xảy ra cháy khoảng 50 ha rừng phòng hộ, chủ yếu thông và thảm thực bì.

Địa phương phối hợp với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn huy động gần 2.000 người và 35 xe ô tô đặc chủng các loại tổ chức dập lửa. Đến rạng sáng 6/6 đám cháy mới được dập tắt.

Cũng trong ngày 5/6, nhiều địa phương cũng xảy ra cháy rừng, như tại khu vực núi Ngang xã Đông Lợi, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang xảy ra cháy 3 ha rừng keo; huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên xảy ra cháy 13,3 ha rừng tạp, thuộc vườn Quốc gia Tam Đảo; xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn xảy ra cháy 2,5 ha rừng bạch đàn, nguyên nhân là do đốt cây cỏ gây cháy lan.

Tại xã Quỳnh Lập, huyện Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An xảy ra cháy 0,5 ha rừng tạp. Nhận được tin báo, các lực lượng chức năng khẩn trương huy động hàng trăm cán bộ, chiến sỹ bộ đội, dân quân, người dân địa phương và xe cứu hỏa tham gia dập lửa. Đa số các vụ cháy rừng được cơ bản khống chế hoàn toàn, không lây lan diện rộng.

Trong những ngày tới, Cục Kiểm lâm (Tổng Cục Lâm nghiệp) tiếp tục cảnh báo nguy cơ cháy rừng ở miền Bắc vẫn rất cao, cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm vẫn được đưa ra cho Thủ đô Hà Nội, Ninh Bình, Lào Cai, Bắc Giang.

Ngoài ra, một loạt các điểm khác của các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Quảng Ninh, Phú Thọ, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh cũng đang nằm trong cảnh báo cháy cấp 4 - cấp rất nguy hiểm./.