Hiện nay, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cũng như các cơ sở điều trị và nhiều Trung tâm truyền máu khác đang trong tình trạng thiếu máu trầm trọng, trong đó, lượng máu nhóm A và O khan hiếm ở mức báo động. Đặc biệt, tại Trung tâm Truyền máu Thái Nguyên và Hải Phòng, đến ngày 5/1, mỗi trung tâm chỉ còn dưới 50 đơn vị máu, trong khi đó, nhu cầu máu hàng ngày của mỗi trung tâm khoảng 40 đơn vị. Vì sao lại có tình trạng thiếu máu trầm trọng như vậy? Phóng viên VOV phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương để làm rõ vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết tình trạng thiếu máu tại Viện huyết học - Truyền Trung ương đang diễn ra như thế nào?

GS. Nguyễn Anh Trí: Trong những ngày cuối năm 2014 và đầu năm 2015 này, tình trạng thiếu máu đang xảy ra rất trầm trọng, không chỉ riêng Hà Nội mà trên bình diện toàn quốc. Tại Viện huyết học - Truyền máu Trung ương, mỗi ngày Viện phát ra 1.500 đơn vị máu để phục vụ hơn 120 bệnh viện tại Hà Nội và khu vực lân cận, nhưng kho máu dự trữ của Viện đến sáng nay chỉ còn trên 1.500 đơn vị, mà mấy ngày vừa qua chúng tôi cũng đã tiết kiệm rồi.

1_dhpc.jpg 
Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương

Tình trạng thiếu máu đang diễn ra rất nghiêm trọng và tôi được biết nhiều cơ sở khác cũng đang bị thiếu máu như Viện chúng tôi. Như chúng ta đã biết, máu rất cần cho điều trị. Có rất nhiều bệnh nếu không có máu, bệnh nhân sẽ không vượt qua được bệnh tật của mình.  

PV: Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng thiếu máu hiện nay, thưa ông?

GS. Nguyễn Anh Trí: Tình trạng thiếu máu có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chủ quan là dịp cuối năm đến nay, sinh viên nghỉ Tết Dương lịch và phải thi cử để chuẩn bị nghỉ Tết nguyên đán hoặc trời rét quá… Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản là hầu hết các chỉ tiêu của năm 2014 đã thực hiện xong và các tỉnh, thành phố đang xây dựng kế hoạch hiến máu của năm 2015.

Có những tỉnh thành, kế hoạch hiến máu đã được phê duyệt nhưng cũng chưa thực sự vào cuộc mạnh mẽ như những ngày bình thường trong năm. Giữa lúc đó, công tác khám chữa bệnh vẫn diễn ra bình thường, nên thiếu hụt hẳn lượng máu phục vụ điều trị.

Có một thực tế nữa là có 2 nhóm máu thiếu nhiều là A và O. Nhóm máu O thì năm nào cũng thiếu, nhưng năm nay nhóm máu A bị thiếu là điều đặc biệt. Chúng tôi thấy rằng, một khi nhu cầu truyền máu tăng lên thì tình trạng mất cân đối giữa các nhóm máu sẽ thường xuyên xảy ra.

 
Chị Đỗ Thị Vân, 43 tuổi ở phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên- Vĩnh Phúc đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để hiến máu

PV: Trước tình hình thiếu máu phục vụ điều trị bệnh nhân diễn ra trong toàn quốc như ông vừa nói, Viện huyết học - Truyền máu Trung ương, cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo hiến máu tình nguyện quốc gia sẽ có những giải pháp gì để khắc phục?

GS. Nguyễn Anh Trí: Đứng trước tình trạng thiếu máu, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đang rất nỗ lực để rút ngắn thời gian, triển khai nhanh các công việc để có lượng máu đáp ứng nhu cầu điều trị. Mấy ngày vừa qua, với sự vào cuộc của hệ thống truyền thông và sự vào cuộc của các tình nguyện viên, trước tiên kêu gọi lực lượng hiến máu dự bị (những người đã từng hiến máu và biết được nhóm máu của mình) tham gia hiến máu. Chúng tôi cũng đã kêu gọi các cơ quan, đoàn thể cùng vào cuộc và Viện đã cử người đến từng địa phương, cơ quan đề xuất phối hợp để chuẩn bị tổ chức các buổi hiến máu tình nguyện.

Chúng tôi cũng phối hợp với Báo Tiền Phong lên kế hoạch tổ chức các buổi hiến máu tình nguyện với chủ đề Chủ nhật đỏ tại nhiều tỉnh thành, hy vọng tiếp nhận được lượng máu đáng kể để kịp dự trữ cho Tết nguyên đán. Bên cạnh đó, để đối phó với tình trạng thiếu máu có thể xảy ra sau Tết nguyên đán, chúng tôi còn tổ chức các buổi hiến máu trong Lễ hội Xuân hồng diễn ra vào dịp 8/3/2015.

Qua đây, tôi cũng kêu gọi tất cả mọi người dân trong xã hội, đặc biệt là những người có đủ sức khỏe, nên tham gia hiến máu ngay để khắc phục tình trạng thiếu máu phục vụ điều trị hiện nay./.

PV: Xin cảm ơn ông!./.