Chiều 12/8, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam đã cử đoàn công tác gồm phòng nghiệp vụ và cán bộ ngành chăn nuôi và thú y đến hiện trường vụ cá chết hàng loạt ở hồ chứa nước Phước Hà (xã Bình Phú, H.Thăng Bình) để kiểm tra thực tế.
Một cán bộ nông nghiệp của xã Bình Phú tại "hiện trường" vụ cá chết. |
Trước đó, chính quyền xã Bình Phú cũng đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và thú y (Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn) lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, nhưng chưa có kết quả phản hồi. Tại hồ chứa này, có 3 hộ dân địa phương trúng thầu thả nuôi cá (hợp đồng 5 năm). Kể từ đầu năm 2016 đến nay, họ đã thả 3 đợt cá giống với số lượng 130.000 con, trong đó có 80.000 con cá mè.
Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 7 đến nay, xuất hình tình trạng cá chết rải rác. Và từ nửa tháng trở lại đây, cá chết hàng loạt dạt vào bờ; có ngày các hộ nuôi phải vớt 3-4 tạ cá chết.
“Rất mong các cấp cơ quan chức năng cần đưa ra khuyến cáo và tạo điều kiện giúp đỡ nhóm hộ cá chúng tôi” - anh Nguyễn Văn Duyên (40 tuổi, một trong số 3 hộ nuôi cá) đề xuất nguyện vọng.
Không chỉ gây thiệt hại lên đến gần 500 triệu đồng cho nhóm hộ nuôi cá, hiện trạng cá chết còn gây ra mối lo về ô nhiễm môi trường. UBND xã Bình Phú huy động lực lượng thanh niên thu gom xử lý cá chết nhưng không xuể, dự kiến còn tiếp tục thu gom đợt 2 vào cuối tuần này.
Trả lời PV Thanh Niên chiều 12.8, ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết nguyên nhân chính xác khiến cá nuôi chết hàng loạt còn phải chờ kết quả từ các cán bộ chuyên môn. Tuy nhiên, nhiều khả năng do biến đổi thời tiết.
“Chiều nay các cán bộ chuyên môn đang tiếp cận hiện trường. Cũng có thể do biến đổi khí hậu, nắng nóng sinh ra tảo độc”, ông Ngô Tấn nói.
Đây cũng là nguyên nhân được nhiều người đề cập trước đó, nhất là khi chính hồ Phước Hà này từng xảy ra vụ cá chết hàng loạt cách đây 11 năm.
Hồi năm 2005, kết quả xét nghiệm mẫu cá chết tại hồ Phước Hà xác định cá bị xuất huyết ở mang, mắt, nội tạng… do ăn thực vật phù du, trong đó có tảo độc.
Thông tin trao đổi giữa Chi cục Chăn nuôi và thú y Quảng Nam và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 (đóng tại Bắc Ninh) cũng đi đến nhận định ban đầu có thể nguyên nhân cá chết hàng loại do vi khuẩn Streptococcus gây bệnh, tình trạng này cũng đang xảy ra tại một số tỉnh phía bắc. Vi khuẩn Streptococcus phát triển khi gặp thời tiết nắng nóng, trong môi trường có quá trình phân hủy chất hữu cao, sau đó tấn công vào não cá khiến cá chết lồi mắt.
Chính quyền xã Bình Phú cũng nghiêng về nguyên nhân tảo độc, mật độ nuôi cá dày (nên thiếu oxy) và loại bỏ nguy cơ nước hồ ô nhiễm do khu vực lân cận không có nhà máy, công ty nào hoạt động.
Hồ chứa Phước Hà được đào vào năm 1977, diện tích mặt nước khoảng 80ha, chủ yếu phục vụ tưới tiêu cho xã Bình Phú và Bình Định Nam; người dân địa phương đấu thầu nuôi cá tự nhiên trên hồ này cho sản lượng 10 - 12 tấn cá mỗi năm./.