Gác lại những lo toan vất vả của cuộc sống mưu sinh nơi xứ người, sáng sớm ngày 30 Tết trong cái lạnh âm 10 độ, gia đình anh Lê Mạnh Hùng và chị Trần Phương Hoa, đang sinh sống thủ đô Berlin (Đức) đã có mặt tại Trung tâm thương mại Đồng Xuân - một trung tâm thương mại lớn của người Việt để chuẩn bị mua sắm chuẩn bị bữa cơm chiều.

Theo phong tục như ở quê nhà, anh chị chọn gà cúng 30 phải là con gà trống tơ lông mượt, mào đỏ, và mua cành đào, mấy cặp giò, bánh đa nem, và măng khô.

Chị Hoa tâm sự: “Công việc của một nghệ sĩ dạy nhạc dân tộc với lịch học, tập luyện, và đi biểu diễn thường xuyên nên phải ăn cơm ở ngoài rất nhiều. Nhưng dù 364 ngày ăn nhà hàng, quán ăn thì ngày cuối cùng của năm cũng phải sum họp bên nhau để cùng ăn bữa cơm tất niên. Mâm cơm chiều cuối năm trong văn hóa Việt thiêng liêng lắm, nhiều nét đẹp văn hóa có thể mất đi nhưng chúng ta phải cố gắng gìn giữ mãi nét đặc trưng rất Việt Nam này”.

Chị Hoa nói: “Tôi là người Hà Nội nên vẫn giữ truyền thống như hồi còn ở Việt Nam. Bữa cơm tất niên tôi thường nấu những món ăn miền Bắc để gia đình và những người bạn Đức hiểu hơn về Việt Nam. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn hai cô con gái của tôi thưởng thức và nấu một số món Việt Nam truyền thống”.

Dù đi đâu, làm gì thì bữa cơm chiều 30 Tết mọi thành viên trong gia đình chị Hoa vẫn phải có mặt đông đủ. Chuyển sang sống và làm việc tại Đức từ năm 1991, bữa cơm tất niên của gia đình anh Hùng, chị Hoa là truyền thống tốt đẹp của gia đình. Các con của anh chị dù đã ra ở riêng nhưng vẫn trở về nhà anh chị vào chiều cuối năm để gặp mặt cả nhà trong bữa ăn tất niên. Mọi việc bếp núc chuẩn bị cho bữa cơm chiều cuối năm, được chị Hoa và cô con gái lo liệu.

Lê Lan Chi, con gái cả anh Hùng, chị Hoa chia sẻ: Hôm nay tôi và mẹ đi chợ để chuẩn bị bữa cơm tất niên với mong muốn sau này sẽ dạy cho các con của mình biết về món ăn của quê hương”.

Bữa cơm tất niên mỗi năm lại thêm đông vui khi có thêm những thành viên mới của gia đình tham dự. Năm nay, gia đình anh chị đón anh Arne Felgendreher – con rể tương lai của anh chị và Giáo sư, Tiến sĩ Wilfried Lulei - nhà sử học và Việt Nam học, từng nhiều lần sang làm việc và đón tết tại Việt Nam.

Giáo sư Lulie chia sẻ: “Hôm nay, đến dự bữa cơm chiều 30 tôi nhớ lại những kỉ niệm đẹp và ấn tượng khi đón tết tại Việt Nam. Tôi thấy đây là phong tục rất hay và lạ của các bạn, thật ấm áp biết bao khi có đủ cả 2, hoặc 3 thế hệ cùng ngồi ăn cơm và trò chuyện. Trong khói hương trầm thơm ngát, bên mâm cơm có đủ bánh chưng xanh, dưa hành, giò mỡ…. Bữa cơm tất niên là nét văn hóa đã in đậm trong tâm trí nhiều người Việt và trở thành sợi dây gắn kết giữa các thành viên trong gia đình”.

Giữa nhịp sống hiện đại nơi đất khách quê người, không chỉ gia đình anh Hùng, chị Hoa mà nhiều người Việt xa xứ khắp nơi trên thế giới bị cuốn vào guồng quay của công việc mà chuẩn bị mâm cơm cúng tổ tiên khá giản đơn. Nhưng mọi người vẫn giữ gìn và xem bữa cơm chiều 30 Tết như một nét văn hóa không thể thiếu vào mỗi độ Tết đến, xuân về.

Sum họp trong bữa cơm cuối cùng của năm cũ, mọi người mới cảm nhận hết sự ấm áp, yêu thương và quý báu của 2 tiếng gia đình. Đó là lý do vì sao những người con tha phương luôn thấy trống vắng, nuối tiếc khi không được cùng gia đình ăn bữa cơm chiều 30 Tết./.