Năm 2018 là năm ghi dấu nhiều thành tựu nổi bật của y học nước nhà. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi phải được giải quyết. Nhân dịp Xuân Kỷ Hợi 2019, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế dành thời gian trò chuyện, trao đổi về những vấn đề lớn của ngành.

PV: Xin Bộ trưởng cho biết một số thành tựu nổi bật của y học nước nhà năm 2018 trong các lĩnh vực như khoa học, khám chữa bệnh?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Ở mảng khoa học và ứng dụng các kỹ thuật y học hiện đại, Việt Nam tiếp tục được công nhận là một nước trong số ít làm chủ được công nghệ sản xuất vaccine, tự nghiên cứu sản xuất vaccine. Năm 2018, đánh dấu tiếp một vaccine được sản xuất và đủ điều kiện thương mại hóa như vaccine cúm mùa 3 type. Ứng dụng công nghệ sinh học vào sàng lọc và chẩn đoán phát hiện nhanh, chính xác các tác nhân gây dịch như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, là cơ sở để không xảy ra dịch trên quy mô lớn như các năm trước đây.

bo_truong_da_sua_dlfu.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Với sự hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức quốc tế WHO, PATH, BARDA, IVAC đã nghiên cứu, sản xuất thành công vaccine cúm mùa IVACFLU-S (3 chủng A/H1N1, A/H3N2, cúm B) trên quy mô công nghiệp với chất lượng cao, an toàn, hiệu quả được chứng minh qua kết quả thử nghiệm lâm sàng đầy đủ 3 giai đoạn. Vaccine IVACFLU-S cũng là sản phẩm đầu tiên được nghiệm thu đạt “xuất sắc” trong Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia vaccine phòng bệnh cho người. Hiện nay, vaccine IVACFLU-S đang trong quá trình đăng ký lưu hành và dự kiến sẽ cấp phép lưu hành đầu năm 2019 giúp Việt Nam chủ động nguồn cung và đáp ứng nhu cầu vaccine cúm mùa trong nước đồng thời tạo cơ hội cho xuất khẩu.

Việt Nam tiếp tục khẳng định làm chủ công nghệ ghép đa tạng, đưa nhiều kỹ thuật y học Việt Nam đạt tầm thế giới (can thiệp mạch, phẫu thuật nội soi, hỗ trợ sinh sản); Thực hiện chuyển giao nhiều kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị như phẫu thuật nội soi, can thiệp tim mạch, chẩn đoán hình ảnh, hỗ trợ sinh sản, điều trị ung thư máu, nhồi máu cơ tim, bệnh lý xương- khớp, bỏng, phẫu thuật tạo hình; ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh về máu).

Cụ thể, ngày 21/2/2017, Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y đã phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên trên người tại Việt Nam. Bệnh nhân được ghép là cháu bé 6 tuổi.

Trường hợp ghép tim nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam đó là bệnh nhân Nguyễn Thành Đạt (10 tuổi) với chẩn đoán cơ tim giãn nở do suy tim giai đoạn cuối, không còn giải pháp điều trị khác ngoài ghép. Ngày 15/3, ca ghép kéo dài khoảng 10 tiếng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thành công.

Ca ghép đa tạng xuyên Việt đầu tiên từ bệnh nhân chết não và sự ra đời của hội vận động hiến tạng bước đầu đã tạo phong trào hiến tạng, mô, bộ phận cơ thể người.

Đây cũng là lần đầu tiên, Việt Nam thực hiện lấy đồng thời 6 tạng để ghép từ cùng một người cho đa tạng chết não và đã tiến hành ghép 5 tạng cùng một thời điểm cho 4 bệnh nhân (1 tim, 2 phổi, 1 gan, 1 thận), và kết hợp điều phối “xuyên Việt” 1 thận cho bệnh nhi ở thành phố Hồ Chí Minh. Sau hơn 10 ngày, tất cả 6 tạng ghép đều tiến triển thuận lợi.

Trong lĩnh vực khám chữa bệnh, ngành y tế đã củng cố mạng lưới khám, chữa bệnh từ trung ương đến xã. Hiện nay, mạng lưới khám, chữa bệnh từ Trung ương đến tận xã ngày càng được củng cố và hoàn thiện với hơn 1.400 bệnh viện, 180.000 giường bệnh, hàng năm khám và điều trị ngoại trú cho 120.00 lượt người bệnh, điều trị cho hơn 10 triệu lượt người, thực hiện hàng triệu thủ thuật, khoảng 2 triệu ca phẫu thuật phức tạp hàng năm. Đổi mới toàn diện và đồng độ hệ thống tổ chức y tế tại tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh để hội nhập và phát triển.

Lần đầu tiên, việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân gắn với bảo hiểm y tế toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân được thực hiện. Với hơn 11.400 trạm y tế cấp xã, trong đó 78% số trạm có bác sĩ làm việc là điều rất thuận lợi cho việc triển khai việc quản lý hồ sư sức khỏe cá nhân. Đây là tuyến y tế gần dân nhất, nhanh nhất thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Tăng cường đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe cho người dân ở tuyến y tế cơ sở.
PV: Năm 2018 là năm Bộ Y tế đẩy mạnh y tế cơ sở, đặc biệt là mô hình 26 trạm y tế xã điểm hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả sơ bộ mà ngành đã đạt được và kế hoạch nhân rộng mô hình này trên cả nước trong thời gian tới?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến:Ngay từ đầu năm 2018, ngành y tế tập trung chỉ đạo, triển khai một số nội dung quan trọng để y tế cơ sở thực sự trở thành nền tảng của hệ thống y tế Việt Nam, trong đó có những đổi mới đột phá, thực chất, mạnh mẽ trong cơ chế và phương thức hoạt động của y tế xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, liên tục, toàn diện và lồng ghép.

Nhiều trạm y tế đã lập hồ sơ, quản lý sức khỏe cả nhân, trong đó Hà Nội, Hà Tĩnh, Khánh Hòa và một số tỉnh khác đã lập hồ sơ quản lý khoảng 85% dân số. Đa số các trạm y tế đã triển khai quản lý một số bệnh không lây nhiễm. Đến nay đã có 9.655 trạm y tế xã triển khai quản lý bệnh nhân tâm thần phân liệt; 7536 trạm y tế quản lý bệnh nhân động kinh. Tuy nhiên quản lý và điều trị số bệnh nhân tăng huyết áp mới được 13,6% và bệnh đái tháo đường được 28,9%.

Theo kế hoạch, đến hết quý I/2019, giải quyết cơ bản về cán bộ và trang thiết bị y tế cho 26 trạm y tế xã điểm và trạm y tế ở các tỉnh, thành phố lớn và các tỉnh thụ hướng dự án WB, ADB, EU. Lộ trình đến 2025 bảo đảm khoảng 70% trạm y tế được đầu tư hoàn chỉnh, hoạt động theo nguyên lý y học gia đình và đến năm 2030, toàn bộ các trạm y tế trong cả nước đủ điều kiện và thực hiện mô hình này. Phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu Nghị quyết đề ra.

PV: Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế sẽ có những quyết sách ra sao để giải quyết những vấn đề liên quan đến chi trả theo đúng định mức của bảo hiểm y tế để đảm bảo quyền lợi của người bệnh và góp phần giảm áp lực cho các cơ sở y tế?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến:Ngành y tế là ngành đầu tiên tiên phong trong việc chuyển đổi cơ chế “phí” sang cơ chế “giá dịch vụ”, có 1 mức giá thống nhất áp dụng cho nhiều bệnh viện nên việc xây dựng hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật còn có một số tồn tại, có đơn vị có chi phí cao hơn định mức nhưng sẽ có đơn vị chi phí thấp hơn định mức.

Qua một thời gian thực hiện, Bộ Y tế đã phát hiện và điều chỉnh định mức kinh tế kỹ thuật và giá một số dịch vụ kỹ thuật cho phù hợp với chi phí thực tế. Việc thanh toán giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và một số bệnh viện có vướng mắc.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống nhất hướng dẫn việc thanh toán để bảo đảm quyền lợi của người bệnh, cơ quan Bảo hiểm xã hội và cơ sở khám chữa bệnh, vừa tuân thủ các quy định của pháp luật về giá dịch vụ, tạo điều kiện cho các bệnh viện phát triển.

PV: Thưa Bộ trưởng, một vấn đề trăn trở nhiều năm của ngành y tế làm giảm quá tải các bệnh viện. Chính phủ đã giao Bộ Y tế đến năm 2020 giải quyết căn bản tình trạng quá tải tại một số bệnh viện tuyến cuối. Theo đánh giá của Bộ trưởng, việc giải quyết quá tải bệnh viện đã đạt hiệu quả hay chưa?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Đây là nhiệm vụ của Ngành y tế trong nhiều năm qua. Nhiều Đề án quan trọng đã được chỉ đạo triển khai mạnh mẽ để giảm quá tải bệnh viện như : Đề án giảm tải bệnh viện; Đề án cải tiến quy trình khám bệnh; Đề án bệnh viện Vệ tinh; Đề án Bác sĩ Gia đình; Đề án 1816, Đề án Nâng cao năng lực công tác kiểm chuẩn chất lượng hệ thống xét nghiệm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp; Chương trình hành động quốc gia nâng cao năng lực quản lý chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.

Kết quả khảo sát trực tuyến trên 1 triệu người bệnh cho thấy tỉ lệ khi điều trị nội trú đạt 75,6%, ngoại trú đạt 66,3%, nhiều bệnh viện có tỉ lệ người bệnh hài lòng tới 80-90%. Số liệu năm 2012 và 2018 cho thấy tỉ lệ bệnh nhân phải nằm ghép giảm từ 58% xuống 16,7% ở tuyến Trung ương; và ở tuyến tỉnh từ 47% xuống 11,4%.

Đây là sự chuyển mình ngoạn mục của ngành y tế, giảm tỷ lệ nằm ghép xuống hơn 3 lần, mang lại sự thoải mái và hài lòng cho người bệnh. Bên cạnh đó, mạng lưới 17 bệnh viện vệ tinh đã giúp giảm tỉ lệ chuyển tuyến Trung ương đối với chuyên khoa tim mạch, ngoại khoa là 98,5%, ung thư 97%, sản khoa 99%, nhi khoa 73%.

Hiện tình trạng quá tải vẫn còn diễn ra ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và cần tiếp tục các giải pháp quyết liệt. Sắp tới cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai đi vào hoạt động đồng bộ ở tất cả các khu vực sẽ hạn chế rất nhiều tình trạng quá tải ở Bệnh viện tuyến Trung ương./.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!