Chiều 18/1, Bộ GTVT tổ chức họp báo trả lời một số nội dung liên quan đến các dự án BOT, chính thức thông báo kết luận của Thủ tướng về vấn đề nóng bỏng những ngày qua.

Cuộc họp báo có sự tham dự của đại diện của Văn phòng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an và Bộ Thông tin - Truyền thông.

bt3_fojw.jpg
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định "không bẻ cong, không tư túi, không lợi ích nhóm" khi nói về trách nhiệm của mình đối với việc ký hợp đồng dự án BOT Cai Lậy. Ảnh: VL

Không tư túi khi ký dự án BOT Cai Lậy

Mở đầu buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Thể cho biết hiện nay ngân sách hạn hẹp, nguồn thu của bảo trì đường bộ quá nhỏ, thêm vào đó thiên tai nhiều, nhu cầu sửa chữa lớn...nên cần phải huy động nguồn vốn xã hội để đầu tư BOT.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể quả quyết: "Khi làm Thứ trưởng, tôi đã ký dự án BOT Cai Lậy. Tôi khẳng định không bẻ cong không tư túi, không lợi ích nhóm".

Trạm thu phí BOT Cai Lậy.

Theo ông Thể, với dự án BOT, có đến 7 bộ ngành có trách nhiệm, bên cạnh đó là trách nhiệm của các cơ quan chính quyền địa phương chứ không chỉ của riêng Bộ GTVT.

“Ít nhất Phó thủ tướng Chính phủ đồng ý mới được làm dự án BOT. Những vấn đề vượt thẩm quyền, bộ đều phải báo cáo và xin ý kiến Chính phủ”, ông Thể cho hay.

Cũng theo ông Thể, nói trạm BOT Cai Lậy đặt nhầm chỗ là không chính xác, hiện nay chỉ là nơi đặt chưa hợp lý. "Nhầm" là sai từ đầu, còn ở đây chỉ là vấn đề thời điểm, lúc xác định đặt chính sách là vậy, bây giờ chính sách thay đổi thành ra chưa hợp lý thôi.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho rằng cần nhìn lại lịch sử triển khai các dự án BOT cách đây 5 - 6 năm.

"Bộ GTVT hoàn toàn chịu trách nhiệm về hệ thống các trạm BOT và đang rà soát. Chính phủ đã giao trong năm 2018 phải giải quyết cơ bản các vấn đề BOT. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ xử lý dứt điểm các bức xúc", ông Thể nói.

Sau Cai Lậy, làn sóng phản đối BOT đã lây lan ra cả nước.

Sau BOT Cai Lậy, một số trạm BOT đòi di dời, mỗi trạm đều có các vấn đề khác nhau và phản ứng người dân. Những phản ứng hợp lý đều được xem xét. Tuy nhiên, nhiều phản ứng của người dân là trái pháp luật.

"Hiện nay, Bộ đã dừng nhiều dự án BOT chậm tiến độ, không làm những dự án BOT trên đường cũ, không lặp lại như BOT Cai Lậy. Dự án BOT Cai Lậy triển khai trước năm 2016 nên có yếu tố lịch sử. Khi hoàn thành thì vận hành theo chủ trương khi đàm phán thực hiện. Những bất cập như ở BOT Cai Lậy hay các dự án khác sẽ được xem xét xử lý cụ thể", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Báo cáo của Bộ GTVT cho biết, từ đầu năm 2016 đến tháng 7/2017, tại một số trạm thu phí như trạm cầu Hạc Trì, QL32, QL6, Cầu Giát, Bến Thủy, Quảng Bình, QL5 (Hưng Yên)....liên tục xảy ra hiện tượng các hộ dân khu vực tập trung phương tiện dàn hàng ngang phản đối chính sách phí chưa công bằng.

Theo Bộ GTVT, từ ngày 1/1/2017, khi luật thu Giá có hiệu lực, Bộ đã làm việc với các nhà đầu tư, địa phương thống nhất chủ trương giảm giá cho các đối tượng bị ảnh hưởng vùng lân cận trạm thu giá. Với giải pháp này, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, đến nay, đều nhận được sự đồng thuận của người dân và vận hành ổn định.

Giai đoạn từ tháng 8/2017 đến nay, Bộ GTVT tải đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc với các địa phương, nhà đầu tư đã giảm giá cho các trạm trên toàn quốc tương tự như 6 trạm trên.

“Đến nay, Bộ GTVT đã miễn, giảm giá cho các phương tiện khu vực lân cận trạm thu giá tại 51 dự án/55 dự án đã khai thác”, ông Thể cho hay.

Vị trí đặt trạm thu phí có bất cập

Người đứng đầu ngành GTVT nhìn nhận, qua rà soát và làm việc với chính quyền địa phương và các bên có liên quan, tình hình mất an ninh, trật tự tại các trạm thu giá do một số nguyên nhân.

Thứ nhất, việc đưa các trạm thu phí vào hoạt động dẫn đến các phương tiện đang được sử dụng đường miễn phí phải trả phí, người sử dụng có tâm lý phản đối việc thu phí.

Bộ GTVT thừa nhận, vị trí đặt trạm thu phí có bất cập.

Thứ hai, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hình thức đầu tư này chưa hoàn thiện, chưa phù hợp thực tế; quá trình xây dựng văn bản pháp luật điều chỉnh hình thức BOT, đặc biệt chính sách phí chưa lường hết được các tác động đối với người sử dụng đường.

Thứ ba, việc lựa chọn vị trí đặt trạm và chính sách phí tại một số dự án còn bất cập. Đối với các quốc lộ, chỉ áp dụng được hình thức thu phí lượt và hình thức này có hạn chế là chỉ đáp ứng được tính công bằng một cách tương đối (người dân ở gần trạm thu phí đi quãng đường ngắn nhưng vẫn phải trả phí trong khi đó những người đi quãng đường dài 40 - 50 km ở khoảng giữa hai trạm thu phí thì vẫn không phải trả phí).

Thứ tư, chất lượng phục vụ dịch vụ đường của nhà đầu tư còn hạn chế, để hư hỏng, xuống cấp không kịp thời sửa chữa.

Thứ năm, Bộ GTVT, nhà đầu tư chưa tuyên truyền và chưa phối hợp tốt với các địa phương và các bộ, ngành; nhiều địa phương e ngại xử lý tình hình an ninh, trật tự chưa thực sự hiệu quả, chưa xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự; có những địa phương còn xin miễn giảm 100% giá các phương tiện xe biển xanh trên địa bàn tỉnh như các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Khánh Hòa...

Bộ GTVT sẽ tiếp tục công khai, minh bạch thông tin về các dự án BOT, tạo sự đồng thuận của người dân và xã hội./.