Năm 2017 được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chọn là năm “Đền ơn đáp nghĩa”. Do vậy, nhiều việc làm thiết thực đã và đang được triển khai để cùng với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt chính sách với người có công. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sỹ 27/7/1947-27/7/2017, phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) Đào Ngọc Dung về vấn đề này. 

bo_truong_txkd.jpg
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung.

Phóng viên:

Thưa Bộ trưởng, hiện cả nước còn hàng nghìn hồ sơ người có công tồn đọng chưa được giải quyết. Đây cũng là vấn đề mà Bộ trưởng cũng rất trăn trở, bởi xác nhận người có công với cách mạng là điều mà rất nhiều gia đình mong mỏi sau nhiều năm chờ đợi. Vậy vấn đề này thời gian qua đã được Bộ LĐTBXH giải quyết như thế nào để đảm bảo công bằng trong thụ hưởng chính sách?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:
Chúng ta còn khoảng 28.500 hồ sơ người có công tồn đọng, rơi vào ba đối tượng: đối tượng thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, đối tượng là người bị ảnh hưởng chất độc hóa học và con của những người bị ảnh hưởng chất độc hóa học, có tham gia kháng chiến và cuối cùng là những người tham gia thanh niên xung phong nhưng chưa được hưởng chính sách thanh niên xung phong.

Trong số 28.500 hồ sơ, còn khoảng 5.900 hồ sơ kê khai cần được xem xét để xác nhận là liệt sỹ, thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh đang tồn tại ở các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ở ngành quân đội, công an. Đây là điều trăn trở rất lớn của chúng tôi và cũng nhận được sự quan tâm rất lớn từ Đảng và Nhà nước.

Giải quyết vấn đề này rất khó, bởi chiến tranh đã qua mấy chục năm. Những hồ sơ, trường hợp đủ tiêu chuẩn chúng ta đã giải quyết. Số 5.900 hồ sơ này rơi vào trường hợp hoặc không có hồ sơ hoặc không đủ hồ sơ chứng cứ hoặc người làm chứng không còn. Nếu không tìm cách làm mới, những "món nợ" này sẽ không bao giờ trả được.

Vì vậy, thời gian vừa qua, với quyết tâm chính trị rất cao, chúng tôi đã mạnh dạn tìm hướng đột phá làm thí điểm ở 5 tỉnh: Long An, Đà Nẵng, Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình. Từ 5 tỉnh này, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm, báo cáo với Thường vụ Quốc hội có kết luận, báo cáo với Chính phủ có Nghị quyết và xây dựng được quy trình do Bộ trưởng Bộ LĐTBXH ban hành, với 7 bước.

Trong đó, quan trọng nhất là dựa vào dân, lực lượng cốt cán là lão thành cách mạng, những người tham gia kháng chiến cùng thời kỳ. Đặc biệt, thực hiện chính sách theo hướng công khai, minh bạch, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ đó, đẩy nhanh việc giải quyết vấn đề này. Đến hôm nay, chúng ta đã công nhận được trên 2.000 trường hợp xác nhận là thương binh và người hưởng tiêu chuẩn như thương binh. Trình Thủ tướng cấp mới và đổi 42.000 bằng tổ quốc ghi công.

Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm ngày 27/7 này, chúng tôi đã xác nhận và Thủ tướng đã công nhận 498 trường hợp là liệt sỹ. 498 trường hợp này là 498 hoàn cảnh khác nhau, 498 cách giải quyết khác nhau. Có trường hợp không còn hồ sơ, cơ quan chức năng phải lần tìm tại 4 quân khu, gần 10 địa phương để xác lập hồ sơ mới từ đầu. Chúng tôi đã day dứt và cảm động khi có trường hợp cụ còn sống đến nay đã 127 tuổi, đồng chí, đồng đội của cụ đã hy sinh 75 năm và nằm trong nghĩa trang liệt sỹ.

Trong 498 hồ sơ ấy, 94 cụ đã hy sinh từ 60 năm trở lên. Theo chúng tôi, đây là việc làm có ý nghĩa nhất, là một nén tâm nhang dâng lên, tri ân các liệt sỹ và gia đình các liệt sỹ nhân ngày 27/7 năm nay.

Phóng viên: Bộ trưởng có thể nói rõ hơn sau khi triển khai thí điểm, Bộ LĐTBXH sẽ có cách thức nào để nhân rộng trong cả nước?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:
Từ kinh nghiệm của 36 tỉnh đã triển khai, từ kinh nghiệm, quy trình 7 bước, ngay sau ngày 27/7, Bộ LĐTBXH và Tổ công tác sẽ rút kinh nghiệm. Chúng tôi sẽ cập nhật bổ sung thêm những quy trình, những bước cần phải tiến hành, theo nguyên tắc cởi mở hơn, thông thoáng hơn, nhưng cũng phải trên cơ sở quy định pháp luật.

Thứ 2, chúng tôi sẽ tiến hành xem xét xử lý từng tình huống, từng hoàn cảnh cụ thể. Từng trường hợp cụ thể theo nguyên tắc tất cả minh bạch, công khai để nhân dân ở địa phương ủng hộ, nhưng cũng không thể cho phép vượt qua nguyên tắc và cũng không cho phép bất cứ trường hợp nào trục lợi chính sách.

Tôi xin nói thêm, “tai mắt nhân dân” là người tinh tường nhất, không ai qua được nhân dân, không ai qua được thông tin đại chúng. Vì vậy, việc quan trọng nhất là phải dựa vào dân, dựa vào lão thành cách mạng và dựa vào thông tin đại chúng.

Phóng viên: Có một thực tế là tình trạng làm giả hồ sơ người có công để trục lợi chính sách đang gây bất bình trong nhân dân, vậy Bộ trưởng có thể cho biết biện pháp xử lý của Bộ đối với những trường hợp làm giả, khai man hồ sơ người có công để trục lợi chính sách như thế nào?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:
Khách quan và công bằng mà nói, tỷ lệ khai man và trục lợi chính sách theo tổng rà soát hiện nay chiếm 0,04%. Tuy nhỏ nhưng lại gây ra bức xúc, bởi trong thực tiễn nhiều người có công thật, thương binh thật, tham gia kháng chiến thật nhưng lại không được hưởng chính sách người có công. Ngược lại, có người không phải bộ đội, không tham gia kháng chiến nhưng lại được hưởng chính sách ưu đãi người có công.

Việc làm giả vừa qua để trục lợi chính sách thường rơi vào 3 đối tượng. Thứ nhất là một bộ phận nhỏ làm thương binh giả. Thứ 2 là đối tượng trục lợi chính sách thông qua việc xác nhận 2 người làm chứng đối với thanh niên xung phong. Thứ 3 là một số trường hợp không bị ảnh hưởng của chất độc hóa học do chiến tranh, không tham gia kháng chiến, không ở vùng bị nhiễm chất độc hóa học nhưng lại kê khai. Thậm chí có trường hợp sống ở một nơi nhưng lại kê khai ở một nơi.  

Có thể nói vừa qua, nhất là từ khi sang Quốc hội khóa 14 và khóa Chính phủ này, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt việc nêu trên. Bản thân Bộ LĐTBXH cũng tuyên chiến với những trường hợp này. Cho đến nay, chúng tôi đã thanh tra 29 tỉnh, thành phố, 5 quân khu, phát hiện, ngăn chặn và thu hồi trục lợi chính sách hàng trăm tỷ đồng. Lực lượng chức năng cũng đã tiến hành khởi tố, bắt giam và kết án tù hàng trăm trường hợp.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng mạnh dạn bảo vệ, tuyên dương các điển hình tố cáo những trường hợp trục lợi. Thời gian tới, Bộ LĐTBXH và các Bộ, cơ quan chức năng sẽ làm quyết liệt hơn, theo phương châm tất cả các trường hợp qua thanh tra, kiểm tra phát hiện được đều phải xử lý nghiêm.

Cũng nhân đây, chúng tôi kêu gọi nhân dân, kêu gọi quần chúng tố giác những người trục lợi chính sách. Tôi cũng mong các cơ quan thông tin báo chí vào cuộc quyết liệt với những trường hợp này. Mặt khác, Bộ LĐTBXH, và Chính phủ cũng khuyến khích những người dân do không biết, không hiểu hoặc là vì nhiều lý do khác nhau mà hiểu sai chính sách, sẽ tự nguyện, tự giác trả lại chính sách. Với phương châm đó, chủ trương của chúng tôi không hồi tố, không xem xét xử lý. Tôi tin rằng với cách làm như vậy, với sự đồng tình của nhân dân, chúng ta chắc chắn sẽ ngăn chặn được tiêu cực, đồng thời trong thời gian tới việc thực hiện các chính sách được minh bạch, công khai.

Phóng viên: Không chỉ tồn đọng hồ sơ người có công, việc cả nước còn hàng trăm nghìn hài cốt liệt sỹ chưa được quy tập, chưa xác định được danh tính cũng là vấn đề khiến chúng ta trăn trở, bởi thời gian càng lùi xa, những khó khăn càng nhiều. Thời gian tới, Bộ LĐTBXH có giải pháp gì để đẩy nhanh việc này, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:
Theo tôi, vấn đề day dứt nhất, đau lòng nhất chính là việc này. Chiến tranh qua đi hơn 40 năm, nhưng chúng ta vẫn còn 200.000 liệt sỹ, cha anh đang nằm ở đâu đó trên mảnh đất này. Ở các nước bạn, chúng ta còn 300.000 hài cốt liệt sỹ chưa xác định được danh tính.

Thời gian vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí Thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Quyết tâm chính trị cũng rất lớn. Đã có 21 đội Quy tập thường xuyên được hình thành, ngày đêm lặn lội ở vùng sâu, vùng xa các nước bạn, song công việc rất gian khổ vì chiến tranh qua đi địa hình, địa vật thay đổi, người chứng kiến không còn nữa, nhưng quyết tâm của chúng ta là chỉ cần một manh mối nhỏ nhất vẫn sẽ làm.

Chủ trương của Chính phủ thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng thêm các đội quy tập, khuyến khích người dân, kể cả những người trước đây ở bên kia chiến tuyến tham gia phát hiện để cung cấp thông tin. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường xây dựng và hỗ trợ các trang thiết bị, điều kiện làm việc cho các đội quy tập, ngoài ra, khuyến khích những đồng chí, đồng đội, nhất là những cựu chiến binh mà còn sức khỏe có thể tham gia, trở lại chiến trường xưa cùng với các đội quy tập để tìm kiếm các liệt sỹ.

Mặt khác, Chính phủ cũng đã và đang chỉ đạo Bộ LĐTBXH, Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương xây dựng các chương trình công nghệ thông tin, xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý thông tin về bia mộ liệt sỹ. Qua đó, giúp tất cả người thân, thay vì phải đến từng nghĩa trang liệt sỹ sẽ có thể ngồi ở nhà, vào mạng để tìm người thân.

Đồng thời, các ngành liên quan cũng khẩn trương xây dựng một ngân hàng gen và ứng dụng công nghệ thông tin để bên cạnh việc có thể giám định trực tiếp, thực chứng, chúng ta sẽ có ngân hàng gen của tất cả những bia mộ mà chưa rõ danh tính và cho phép xác định AND để người thân có thể tự truy cập, đối chiếu, đối khớp với gen của mình để xác định thân nhân.

Phấn đấu hết năm 2018 chúng ta sẽ có 2 phần ứng dụng công nghệ thông tin này để góp phần đẩy nhanh việc quy tập cũng như xác định liệt sỹ chưa rõ danh tính.

Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, nhiều ý kiến cho rằng chính sách ưu đãi đối với người có công hiện nay cần có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Vậy Bộ trưởng cho có thể cho biết chính sách ưu đãi đối với người có công cần thay đổi những gì?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:
Phải nói rằng Pháp lệnh và hệ thống chính sách của chúng ta tương đối mở rộng và phần đông các đối tượng người có công đã được hưởng chính sách này. Tuy nhiên, trong thực tiễn, chúng ta vẫn phải tiếp tục rà soát lại. Bộ LĐTBXH cũng như Ban chỉ đạo cấp Quốc gia các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sỹ đã xem xét và thấy rằng, có khoảng 10 vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu và bổ sung.

Chẳng hạn như: Người có công tham gia kháng chiến, người có công với cách mạng, người giúp đỡ cách mạng nhưng đang định cư ở nước ngoài. Hay, đời thứ 3 bị nhiễm chất độc hóa học do ông của các cháu tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, hoặc là đối tượng người tham gia kháng chiến giai đoạn 1974-1975.

Ngoài ra còn phải tính tới việc Mẹ Việt Nam anh hùng và anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động khi mất thế nào. Cùng với đó là vấn đề xác định thương binh, giám định bổ sung lại thương tật...

Tuy nhiên, hiện tại chúng ta gặp 2 vấn đề khó khăn. Thứ nhất, chúng ta phấn đấu để tất cả người có công được hưởng chính sách nhưng phải cân đối hài hòa với điều kiện kinh tế xã hội và khả năng ngân sách của Nhà nước.

Thứ 2, nếu chúng ta mở rộng đối tượng và cởi mở hơn, thông thoáng hơn, nhất là trong việc giải quyết tồn đọng người có công nhưng phải ngăn chặn được tình trạng trục lợi chính sách, ngược lại, nếu chúng ta làm chặt sẽ lại gây khó khăn đối với những người có công không còn hồ sơ, giấy tờ.

Vì vậy, chúng tôi sẽ trình với Thường vụ Quốc hội, với Chính phủ, trong thời gian tới, bên cạnh rà soát lại một loạt chính sách, sẽ sửa đổi Pháp lệnh người có công theo hướng một cách toàn diện hơn cũng như mang đầy đủ tính thực tiễn hơn, phù hợp với từng đối tượng người có công hơn.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.