Trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, vừa qua Tổng cục Thủy lợi vừa trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét thành lập Tổ điều hành phòng, chống hạn hán và xâm nhậm mặn (gọi tắt là Tổ chống hạn). PV VOV đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Duy Hiển, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Công trình (Tổng cục Thủy lợi) về vấn đề này:
Thời gian qua khu vực duyên hải Nam Trung Bộ không có mưa, gây khó khăn cho sản xuất vụ hè thu (Ảnh minh họa) |
Ông Đặng Duy Hiển:Theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Tổng cục Thủy lợi vừa qua đã trình Bộ thành lập Tổ công tác phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn để tham mưu giúp Bộ chỉ đạo 4 nội dung.
Cụ thể, thứ nhất là hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác chống hạn để đảm bảo sản xuất các vụ đông xuân và hè thu hàng năm; thứ hai là phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam thống nhất kế hoạch xả nước phục vụ gieo cấy của các địa phương trên phạm vi cả nước; thứ ba là phối hợp liên ngành để lập các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo thực tế ở cơ sở nhằm mục đích kiểm điểm công tác chuẩn bị của địa phương cũng như hướng dẫn kỹ thuật để chính quyền cơ sở, địa phương sản xuất hiệu quả; thứ tư là tổng hợp nhu cầu hỗ trợ của địa phương để phối hợp với Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cấp kinh phí hạn hán, xâm nhập mặn hàng năm.
PV: Trong giai đoạn hiện nay, những khu vực nào được coi là trọng điểm về hạn hán và ngập mặn và những khó khăn đặt ra là gì, thưa ông?
Ông Đặng Duy Hiển:Cho đến nay, hiện tượng El nino vẫn tiếp tục ảnh hưởng nặng nề ở một số địa phương. Tuy nhiên, một số nơi đã có mưa và thời điểm hiện nay đánh giá chung về năng lực nguồn nước cũng như kế hoạch sản xuất của địa phương thì hai vùng được Bộ NN&PTNT gắn trọng tâm, trọng điểm để tăng cường công tác chỉ đạo đó là duyên hải Nam Trung Bộ, (từ Đà Nẵng đến Bình Thuận), đây là khu vực thời gian qua không có mưa. Hiện nay quỹ nước còn lại trong các hồ thủy lợi, thủy điện rất hạn chế. Tình trạng ngập mặn ở các cửa sông đã lên cao và sản xuất vụ hè thu đã bắt đầu thì trọng tâm, trọng điểm của vùng này sẽ là chống hạn trong tháng 6 và tháng 7.
Vùng thứ hai là vùng đồng bằng sông Cửu Long, hiện tại các địa phương đã gieo sạ được khoảng 70%, diện tích lúa hè thu và hiện tượng thiếu nước cũng đã xuất hiện ở một vài nơi do mực nước bị hạ thấp và toàn bộ các địa phương ven biển bị mặn ảnh hưởng, các cửa cống đã phải đóng kín. Tuy nhiên, do các địa phương mới gieo sạ đầu vụ nên chưa có hiện tượng thiếu nước. Đề phòng trong tháng 6 - 7 khi gió chướng hoạt động mạnh kết hợp với các kỳ triều cường thì khối mặn sẽ được đẩy lên cao và thiếu nước ngọt sẽ xảy ra. Đối với vùng này, Bộ NN&PTNT xác định phải đảm bảo chống hạn để thắng lợi suốt vụ hè thu cho đến tháng 8/ 2013./.