Sau khi đập tan “lá chắn thép” Phan Rang giải phóng Ninh Thuận, cánh quân Duyên Hải tiếp tục tiến vào Nam phối hợp với các lực lượng địa phương giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Thuận vào ngày 19/4/1975. Sau 40 năm giải phóng, tỉnh Bình Thuận đã có nhiều thay đổi, nhưng thời khắc lịch sử ấy vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của những người lính kiên cường góp phần giải phóng quê hương.

Thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận vào những ngày này rợp đỏ cờ hoa. Như bao cựu chiến binh khác từng cầm súng bảo vệ quê hương, ông Nguyễn Thành Tâm (nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 482), không thể nào quên hào khí ngày chiến thắng cách đây 40 năm.

phan_thiet_pziy.jpgMột góc TP Phan Thiết ngày nay (Ảnh: Việt Quốc)

Đầu tháng 4/1975, cục diện chiến trường đang có lợi cho quân ta. Thực hiện chỉ đạo của trên, quân và dân Bình Thuận liên tục tấn công địch, chủ động giải phóng một số địa bàn. Trong đó, Chi khu Ma Lâm - Thiện Giáo là mục tiêu quan trọng cần phải tiêu diệt.

Là người trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 482 tiến công vào Chi khu này, cựu chiến binh Nguyễn Thành Tâm cho biết: “Tiểu đoàn 482 của Bình Thuận và Tiểu đoàn đặc công 200C cùng Tiểu đoàn pháo của Quân khu tăng cường để tấn công vào Chi khu Ma Lâm. Sau đó, Trung đoàn 812 trên Đà Lạt cơ động về. Chi khu đó là quyết chiến cuối cùng để áp sát vào Phan Thiết”.

21 giờ ngày 8/4 ta làm chủ Chi khu, đập tan cứ điểm quan trọng bảo vệ phía Bắc Phan Thiết, làm cho hệ thống đồn bót của địch dọc đường 8 và các khu vực lân cận khiếp sợ. Để tạo điều kiện thuận lợi cho quân chủ lực vào đánh chiếm và giải phóng Phan Thiết, từ ngày 14 đến 18/4, lực lượng của ta đã bám trụ kiên cường trên cầu Phú Long mặc cho bom đạn ác liệt từ các đợt phản kích của địch.

Ông Văn Minh Trường, nguyên là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 812 cùng đồng đội thề quyết hy sinh để giữ cho cầu Phú Long được nguyên vẹn, đón chờ quân chủ lực vào giải phóng Phan Thiết. Ông Trường kể: “Bấy giờ hứa với Chính ủy rồi, hễ còn người là còn trận địa, nhưng mà để mất rồi thì làm sao gặp ổng được. Cho nên thà hy sinh tất cả chứ không để mất cầu và trạm Phú Long”.

Ngay trong đêm 18/4, xe tăng của ta bất ngờ xuất hiện ngay ngoại vi thị xã, những chiếc M113 của địch ra án ngữ và quân lính vội vã quay đầu tháo chạy tán loạn. Tỉnh trưởng Ngô Tấn Nghĩa không kịp lên máy bay trực thăng, lật đật ra ngõ sau leo lên một chiếc thuyền nhỏ trốn ra biển.

Ông Phạm Việt Dũng, nguyên là Trợ lý Binh vận Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 tiến vào giải phóng Phan Thiết nhớ lại: “Khi đánh vào Phan Thiết và đến khi chúng ta giải phóng Phan Thiết, địch phản ứng hết sức yếu ớt. Khoảng 8 - 9 giờ sáng hôm sau mới có hai máy bay trở lại oanh tạc Phan Thiết. Nhưng mà hai quả bom vừa nổ, thì bị pháo cao xạ của Sư đoàn 673 của Quân đoàn bắn lên làm cho chúng không dám bén mảng đến Phan Thiết lần thứ hai nữa”.

Ta chiếm lĩnh sở chỉ huy tiểu khu, tòa hành chính, Lầu Ông Hoàng, đồn Trinh Tường và các mục tiêu quan trọng khác, đồng thời phá nhà lao giải thoát cho một số đồng chí, đồng bào ta bị địch bắt giam giữ. Đến 13 giờ ngày 19/4, tỉnh Bình Thuận hoàn toàn được giải phóng. Ủy ban Quân quản của ta vào tiếp quản thị xã, bắt đầu xây dựng chính quyền nhân dân.

Trải qua chừng ấy thời gian, sau 40 năm, nay nhìn lại, người dân Phan Thiết – Bình Thuận thấy quê hương mình đã đổi khác hơn xưa. Nhà cửa cao tầng đua nhau mọc lên, phố sá được mở rộng sầm uất hơn, chứng minh cho sự đi lên của vùng đất này.

Ông Dương Hiển Mạnh, người dân phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết cảm nhận: “Sau khi chiến tranh đi qua, thành phố Phan Thiết rất là nghèo nàn và nhà cửa sập xệ do chiến tranh để lại. Bây giờ sau 40 năm, thì bộ mặt thay đổi hẳn. Có thể nói rằng đây là một bước tiến bộ rất lớn trong văn hóa và vấn đề phát triển kinh tế”.

Từ một tỉnh nghèo, kinh tế kém phát triển, thu ngân sách thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, đến nay tổng thu ngân sách nội địa của tỉnh từ 140 tỷ đồng (năm 1993) đã tăng lên 3.800 tỷ đồng (năm 2014). Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt gần 12%. Kinh tế phát triển đã tạo điều kiện cho tỉnh đầu tư giải quyết các vấn đề xã hội đạt nhiều kết quả tích cực.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết: “Bình Thuận từ một tỉnh khô hạn trở thành một tỉnh cơ bản chủ động về nước. Với chủ trương nối mạng thủy lợi và phát triển hệ thống kênh mương, diện tích canh tác lúa được tưới chủ động của tỉnh từ 8,4% (năm 1991) lên xấp xỉ 80% (năm 2015). Tiềm năng về du lịch, công nghiệp, đặc biệt là tiềm năng nông nghiệp được khai thác ngày càng tốt hơn. Kinh tế Bình Thuận liên tục tăng trưởng với tốc độ khá”.

Bây giờ nói đến Bình Thuận, người ta sẽ nghĩ đến ngay là một điểm du lịch nổi tiếng, một vùng sản xuất thanh long lớn nhất nước, cùng các loại đặc sản nổi tiếng như: nước mắm Phan Thiết, nước khoáng Vĩnh Hảo; gần đây còn có thêm các sản phẩm: con dông, mủ trôm và tôm giống… mang lại giá trị kinh tế cao. Kinh tế nông nghiệp, du lịch và kinh tế biển không ngừng phát triển, mang lại cuộc sống sung túc cho nhân dân địa phương.

Kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng quê hương là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận ôn lại trang sử hào hùng của địa phương, của dân tộc để thêm tự hào, rút tỉa thêm kinh nghiệm xây dựng mảnh đất này ngày càng giàu đẹp, văn minh./.