Thời gian qua, nhiều người ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định lấn chiếm hành lang bảo vệ đê Đông để dựng nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi. Trước tình trạng này, UBND huyện Tuy Phước thành lập tổ công tác liên ngành tiến hành kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, việc xử lý chưa triệt để dẫn đến tình trạng lấn chiếm hành lang đê Đông ngày càng phức tạp.
Đi dọc đê Đông thuộc các xã Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Hòa, Phước Thắng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định dễ bắt gặp các công trình do người dân tự ý cơi nới hoặc xây nhà trái phép. Chỉ một đoạn ngắn hành lang đê Đông qua thôn Bình Thái, xã Phước Thuận có đến 3 công trình xây dựng trái phép. Ông Ngô Sanh, trú thôn Bình Thái, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước cho biết mình thuê đất nuôi tôm ven đê Đông. Năm ngoái, khi ông mua vật liệu xây căn nhà làm chòi canh thì bị lực lượng chức năng lập biên bản, yêu cầu tháo dỡ toàn bộ các hạng mục vừa xây dựng.
Ông Sanh nói: “Đổ đất trong vòng 1 tháng. Chính quyền địa phương có tới nhắc nhở không cho xây dựng, lập biên bản và yêu cầu chủ hộ tự xử lý. Hồ, trại nuôi thủy sản gần đê Đông nhiều nên phải xây dựng chòi để coi ngó. Không dựng được chòi bằng bê tông thì mình dùng chòi, dựng trụ, bắn tôn, lót ván như chòi nhỏ có chỗ ở tạm coi ngó bờ nhưng không được xây dựng kiên cố.”
Xã Phước Thuận là một trong 4 địa phương ở phía Đông của huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định xảy ra tình trạng lấn chiếm hành lang đê Đông phức tạp. Từ năm 2014 đến nay, UBND xã Phước Thuận đã phát hiện và xử lý 20 trường hợp chiếm đất, xây dựng nhà ở trong hành lang bảo vệ đê. Do địa hình của xã Phước Thuận ven sông Hà Thanh, người dân sinh sống tập trung gần sông, kênh rạch, ao đìa nuôi trồng thủy sản..., thiếu đất ở nên nhiều người tự ý cơi nới, cất nhà ở trên hành lang đê. Tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép ở hàng lang đê Đông cũng diễn ra tại các xã Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng của huyện Tuy Phước.
Thời gian qua, Tổ công tác liên ngành của huyện Tuy Phước đã phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát, thống kê cụ thể diện tích lấn chiếm trên địa bàn từng xã. Đồng thời, yêu cầu chính quyền địa phương, các tập thể, cá nhân liên quan nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm trong việc quản lý đất đai, mặt nước, hành lang bảo vệ đê Đông. Huyện Tuy Phước đã xây dựng phương án, lộ trình cụ thể để xử lý dứt điểm các hộ dân có hành vi lấn chiếm hành lang bảo vệ đê Đông, tập trung tuyên truyền, vận động các hộ tự giác tháo dỡ công trình, trả lại hiện trạng ban đầu. Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định cho biết, sẽ tiến hành cưỡng chế các hộ không tự giác tháo dỡ công trình trái phép.
Ông Xuân nói: “Việc lấn chiếm hành lang đê để cơi nới xây dựng trái phép ở những khu vực gần với hệ thống tiêu thoát lũ chúng tôi đã kịp thời xử lý. Chỉ còn lại những trường hợp không nằm trong hành vi hành lang của các cống tiêu thoát lũ thì chúng tôi phân loại đối tượng để kiên quyết xử lý chứ không để trường hợp nào cho tồn tại.”
Hệ thống đê Đông có tổng chiều dài gần 50km, kéo dài từ phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn qua các huyện Tuy Phước và Phù Cát. Trong đó, tuyến đê qua các xã phía Đông của huyện Tuy Phước dài 27km. Đê Đông giúp ngăn mặn, giữ ngọt vào mùa khô, tiêu thoát lũ vào mùa mưa bão, bảo vệ hàng nghìn hộ dân và đất sản xuất, nuôi trồng thủy sản ở địa phương. Ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, thời gian qua, mặc dù Sở đã phối hợp với chính quyền các huyện Tuy Phước, Phù Cát kiểm tra, xử lý những trường hợp lấn chiếm hành lang đê Đông nhưng việc ngăn chặn, cưỡng chế, tháo dỡ các công trình của các địa phương chưa cương quyết.
Ông Chương nói: “Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định, hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục xây dựng quy chế phối hợp để hoàn thiện theo Nghị định mới ban hành, đặc biệt là nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Tăng cường trách nhiệm xử phạt của chính quyền địa phương, nâng cao hiểu biết về pháp luật của nhân dân"./.