Tổng kinh phí thực hiện Đề án nâng cao năng lực hoạt động hệ thống y tế cơ sở giai đoạn 2022-2025 là 700 tỷ đồng, trong đó 600 tỷ đồng xây mới, nâng cấp mở rộng trung tâm y tế tuyến cơ sở và 100 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị y tế.

Nguồn kinh phí được huy động ngân sách Trung ương hỗ trợ từ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và huy động các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025.

Hiện nay, Trung ương đã phân bổ cho tỉnh Bình Định 166 tỷ đồng; HĐND tỉnh Bình Định cũng thông qua Nghị quyết bổ sung 201 tỷ đồng để thực hiện đề án này. Theo đó, từ năm 2023, có 5 Trung tâm y tế các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Nhơn, Hoài Ân và Tây Sơn được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa.

Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân; đáp ứng cơ bản yêu cầu thực tiễn về kiểm soát dịch bệnh, khám bệnh, chữa bệnh của hệ thống y tế cơ sở trong tình hình mới. Đề án hướng đến phát triển nguồn nhân lực y tế tại các Trung tâm y tế huyện và Trạm y tế, cả về số lượng và chất lượng; đảm bảo cơ cấu nhân lực phù hợp.

Bác sỹ Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Địnhcho biết, cùng với cơ sở hạ tầng, việc đào tạo nâng cao chất lượng nhân viên y tế cũng được triển khai đồng bộ: "Chúng tôi cho rằng, việc có thêm các điều kiện về trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị y tế trong ngành có thể phát triển song song. Vừa có con người nhưng cũng phải kèm theo trang thiết bị y tế và cũng phải có cơ sở vật chất tốt thì con người mới sử dụng được hiệu quả, phát huy được vai trò của họ. Nếu không đồng bộ thì việc phát triển nhân lực khó khăn"./.