Chị N.T.T.Thảo, 29 tuổi, ngụ Phú Nhuận, TP.HCM cho biết, ngày 2/11/2020, chị đến Bệnh viện phụ sản Mê Kông nhập viện. Do thai lớn, bị tiểu đường thai kỳ, tiền sử dị ứng thuốc tê, xương chậu hẹp, chị Thảo được yêu cầu phải sinh mổ. Chị Thảo trình bày tiền sử 2 lần bị dị ứng thuốc tê và yêu cầu phẫu thuật gây mê. Ê-kíp phẫu thuật cũng đã hội chẩn tiền phẫu thống nhất sẽ gây mê để mổ lấy thai.
Tuy nhiên, theo chị Thảo, khi mổ, bác sĩ đã tự ý đổi từ phương án gây mê sang gây tê. Sau khi tiêm thuốc tê vào tủy sống, chị bị co giật mạnh, nôn ói liên tục trong suốt quá trình phẫu thuật. Sau mổ bắt con, chị được đưa ra phòng hồi sức và phát hiện bị liệt nửa người bên trái, hoàn toàn không cử động được. Chị được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định và xuất viện sau 2 ngày, tiếp tục về nằm điều trị tại Bệnh viện Phụ sản Mê Kông. Một thời gian sau, chị được bệnh viện này mời bác sĩ vật lý trị liệu đến để tập luyện phục hồi chức năng nhưng thời gian tập bị ngắt quãng, có dấu hiệu lơ là điều trị. Chị Thảo cần xem tóm tắt bệnh án của mình nhưng bệnh viện chưa cung cấp. Hiện tại, chị Thảo sức khỏe kém, liệt nửa người trái chưa hồi phục.
"Lúc trước em phải nhờ người làm hết, sinh hoạt vệ sinh trên giường luôn. Sau đó em ngồi dậy được, giờ em bế muốn bế em bé thì em bò, còn những việc sinh hoạt cá nhân em phải nhờ người thân. Giờ em chỉ muốn biết hồ sơ bệnh án của em thực chất bị gì, rồi họ trả lại bệnh án ở Nhân dân Gia Định để em biết cụ thể", Thảo đề nghị.
Bệnh viện nói gì?
Bác sĩ Lê Minh Nguyệt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện phụ sản Mê Kông cho biết, bệnh viện đã có báo cáo nhanh về Sở Y tế TP.HCM ngay sau khi xảy ra tai biến. Bệnh nhân cũng được đưa sang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Tuy nhiên, các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán không xác định được nguyên nhân liệt nửa người của sản phụ nên Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã hỗ trợ sản phụ điều trị nội khoa trong 2 ngày rồi cho xuất viện vào ngày 4/11/2020.
Trong thời gian chị Thảo quay về tiếp tục điều trị hậu sản tại Bệnh viện phụ sản Mê Kông, bệnh viện có mời chuyên gia từ nhiều bệnh viện lớn để phân tích tìm nguyên nhân, đồng thời điều trị trầm cảm cho sản phụ. Sau đó, bệnh viện liên hệ gia đình chị Thảo cho chị về nhà để chăm sóc tốt hơn.
Bác sĩ Nguyệt cũng cho biết do Sở Y tế TPHCM kiểm tra chuyên môn tại bệnh viện nên đã chậm trễ trong việc cung cấp giấy xác nhận điều trị bệnh cho sản phụ cũng như tóm tắt bệnh án dài gần 2 tháng điều trị tại đây.
Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn, Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp, người thực hiện gây tê cho sản phụ Thảo là bác sĩ Lê Quốc Hải – Trưởng khoa Gây mê hồi sức đã thử thuốc tê lên da sản phụ nhưng không thấy phản ứng gì nên đã chọn phương pháp gây tê để an toàn cho người bệnh. Tuy nhiên, việc này không đúng quy trình khám tiền mê trước đó, bác sĩ Hải đã phán đoán sai. Qua vụ việc này, bệnh viện đã họp rút kinh nghiệm, còn bác sĩ Hải đã chịu áp lực rất lớn và xin nghỉ việc.
Bác sĩ Tuấn nói: "Họp hội đồng xong chúng tôi làm MRI, siêu âm mạch máu não lần thứ 2, đo điện cơ, mời cả chuyên gia như là bác sĩ Lê Minh chuyên về nội thần kinh của Đại học Y dược TPHCM xuống khám thì tất cả xét nghiệm làm thì vẫn không thấy có tổn thương thực thể nào hết. Nhưng không ai chối bỏ việc Thảo liệt nửa người cả, chúng tôi rất lo".
Đại diện bệnh viện cũng cho biết đã và đang tích cực phối hợp để thực hiện những điều tốt nhất cho sản phụ. Tuy nhiên, sự phối hợp không đạt kết quả như mong đợi đã khiến bệnh nhân bức xúc. Bệnh viện xin lỗi và nhận trách nhiệm, sẽ theo sát để điều trị vật lý trị liệu cho sản phụ./.