Trên địa bàn xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái hiện có 6 tổ chức, cá nhân đang triển khai hoạt động khai thác, tập kết cát sỏi. Trong đó, một số tổ chức, cá nhân mới có quyết định chủ trương đầu tư, làm thủ tục thuê đất và chưa được cấp phép mở bến thủy nội địa, hoặc mở đường đấu nối vào Quốc lộ 32, song vẫn tự ý mở bến bãi tập kết cát sỏi trái phép trên đất nông nghiệp. 

Ông Lê Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Minh Quân cho biết, các bến, bãi cát sỏi trên địa bàn nằm ven Quốc lộ 32; mỗi lần các xe trọng tải lớn ra vào thường gây cản trở giao thông và nguy hiểm cho người qua lại. Những năm qua, xã có kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, lập bến bãi tập kết cát, sỏi của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, nhưng do thẩm quyền có hạn nên gặp nhiều khó khăn và tình trạng mở bến bãi vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát sỏi không phép vẫn tiếp diễn trên địa bàn.

“Đối với những bến, bãi tập kết cát, sỏi trái phép trên địa bàn, UBND xã đã xử lý vi phạm hành chính đối với các bến bãi này. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn bến, bãi đang hoạt động trái phép và UBND xã đã báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý dứt điểm trong thời gian tới”, ông Lê Trung Kiên cho hay.

Trên địa bàn huyện Trấn Yên hiện có hiện có 9 điểm mỏ được Bộ Tài nguyên - Môi trường và UBND tỉnh Yên Bái cấp phép thăm dò; 36 điểm mỏ được cấp phép khai thác (bao gồm cả một số điểm mỏ chưa khai thác, tạm dừng hoạt động và hết hạn), với 17 điểm bãi tập kết cát, sỏi tại thị trấn Cổ Phúc và các xã Đào Thịnh, Việt Thành, Y Can,  Minh Quân, Quy Mông… Trong đó, ngoài một số điểm tập kết của HTX Khai Minh và HTX khai thác sản xuất dịch vụ vật liệu xây dựng Hợp Nhất đủ các thủ tục về đất đai, môi trường, còn lại là hoạt động trong tình trạng còn thiếu thủ tục hoặc chưa được cấp phép. 

 

 

Ông Phạm Văn Hoàn, Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Trấn Yên cho biết, từ năm 2016 đến nay, huyện Trấn Yên đã kiểm tra, xử lý và kiến nghị xử lý nhiều vụ vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Điển hình như năm 2019, một trường hợp ở xã Minh Quân đã bị xử phạt 150 triệu đồng; tuy nhiên, số vi phạm chỉ giảm chứ chưa chấm dứt.

“Hướng xử lý là tiếp tục tham mưu cho UBND huyện ra văn bản quản lý nhà nước để chỉ đạo các xã, thị trấn và các phòng, ban chuyên môn, Công an huyện phối hợp nhằm chấm dứt ngay tình trạng tập kết trái phép, chỉ cho phép hoạt động khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định” - ông Phạm Văn Hoàn cho biết.

Tại địa bàn thành phố Yên Bái, ngay cả một số đơn vị lớn, hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi như Công ty TNHH Linh Huy Hoàng, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đầm Mỏ... việc tập kết, kinh doanh cát sỏi tại điểm bến, bãi tập kết cũng chưa có đầy đủ hồ sơ, thủ tục pháp lý theo quy định. 

Bà Trần Thị Diệu Thúy, kế toán HTX Dịch vụ tổng hợp Đầm Mỏ, địa chỉ tại xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái cho biết, hiện điểm mở bến bãi tập kết cát, sỏi của đơn vị là thuê lại đất nông nghiệp của người dân. Khi phóng viên hỏi về thủ tục pháp lý liên quan đến vấn đề này thì “quả bóng trách nhiệm” nhanh chóng được đẩy về phía người dân.

“Hiện tại khu vực này vẫn đang thuê của người dân, người dân có mảnh đất nông nghiệp này cho công ty thuê, nên người dân mới là người sử dụng đất sai mục đích, không phải phía công ty”.  

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, ngoài việc mở bến, bãi vận chuyển, tập kết cát sỏi chưa đủ thủ tục pháp lý, hoặc trái phép, thì dọc tuyến sông Hồng thuộc địa phận tỉnh Yên Bái, để phục vụ cho hoạt động khai thác, kinh doanh cát sỏi thì một số tổ chức, cá nhân còn tự ý mở các điểm đấu nối, hoặc đường đấu nối từ bãi tập kết đến tuyến đường Tỉnh lộ, Quốc lộ qua địa bàn.

Việc khai thác, tập kết, vận chuyển cát sỏi trái phép không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, mà còn gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách nhà nước. Thiết nghĩ, chính quyền và các ngành chức năng tỉnh Yên Bái cần chú trọng hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và xử lý thật nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm./.