Bảo tàng Hà Nội- công trình được khởi công xây dựng ngày 19/5/2008 và hoàn thành vào ngày 6/10/2010 do Sở Xây dựng là chủ đầu tư. Công trình được khánh thành và đưa vào sử dụng nhân dịp Kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Tổng giá trị đầu tư dự án 2.300 tỷ đồng.
Bảo tàng Hà Nội. |
Công trình được UBND thành phố phê duyệt lựa chọn phương án kiến trúc do Liên danh tư vấn GMP-ILAG (CHLB Đức) thiết kế. Dự án gồm 2 phần: Xây dựng và lắp đặt thiết bị của dự án (triển khai từ năm 2008-2010); Phần nội dung trưng bày từ năm 2010 đến nay.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, mặc dù đã khánh thành và đi vào hoạt động nhưng Dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội cũng như hạng mục trưng bày của bảo tàng vẫn chưa kết thúc mà đang trong quá trình tiếp tục thực hiện dự án đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt.
Theo ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội, hồ sơ thiết kế tổng thể nội dung trưng bày Bảo tàng Hà Nội do Công ty tư vấn Storyinc (New Zealand) lập được Cục Di sản thỏa thuận làm cơ sở để UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt gồm 6 không gian trưng bày.
Cũng theo ông Đà, hiện nay Bảo tàng Hà Nội được thi công dàn dựng trưng bày, đối với không gian ngoài trời: khu trưng bày 36 phố phường, khu sân lễ hội, khu sinh vật cảnh.
Không gian trưng bày tầng 1, toàn bộ hệ thống thiết bị lưu trữ đã được lắp đặt phục vụ cho việc bảo quản, tu bổ tài liệu hiện vật.
Các không gian trưng bày tầng 2 của bảo tàng sẽ cơ bản hoàn thành đầu năm 2016. Hoàn thành công tác Tổ chức hiện vật trưng bày phục vụ nội dung trưng bày chính thức của Bảo tàng Hà Nội. Tổng số hiện vật đã lựa chọn, đưa vào nội dung thiết kế trưng bày 24.252 hiện vật. Thực hiện bảo quản gần 12.000 tài liệu, hiện vật chất liệu giấy, bảo quản 935 hiện vật chất liệu đồng…
Ông Nguyễn Tiến Đà cho biết: “Từ khi mở cửa đi vào hoạt động từ ngày 6/10/2010 đến tháng 6/2015, Bảo tàng Hà Nội đã đón tiếp 764 nghìn lượt khách. Toàn bộ nội dung trưng bày hiện mang tính chất chuyên đề tạm thời nên chúng tôi không thu tiền khách tham quan bảo tàng”.
Trao đổi về những khó khăn, trong việc sưu tầm hiện vật của bảo tàng hiện còn hạn chế về chất lượng, chưa đáp ứng 100% kịch bản trưng bày. Trong năm 2014, bảo tàng mới mua được 8 hiện vật có giá trị và phải thực hiện theo quy trình 9 bước, tổng giá trị là 61 triệu đồng.
Ông Đồng Nguyên Ngọc, Giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội) cho hay, theo kế hoạch tổng thể có nhiều việc chuyên môn, tổng kinh phí là 129 tỷ đồng, trong đó có mua hiện vật, dự kiến bổ sung là 70 tỷ đồng.
Giải thích về việc mua hiện vật khó khăn ông Ngọc cho biết, do thông tư của Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch mới có. Đến năm 2014 mới có hướng dẫn cụ thể, hơn nữa việc mua bán lại theo cơ chế thị trường nên hoàn toàn phụ thuộc vào người bán.
Đại diện Ban quản lý dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội cho biết thêm, tổng kinh phí quyết toán lắp đặt thiết bị là 1.697 tỷ đồng và hiện nay đã kiểm toán đợt 1 là hơn 1.500 tỷ đồng.
Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao, việc cán bộ chuyên gia đi tìm kiếm hiện vật trưng bày gặp rất nhiều kho khăn. Do yếu tố chủ cổ vật không giữa thỏa thuận về giá cũ. Khi anh em về báo giá chờ đợi thẩm định và được duyệt kinh phí là quãng thời gian dài… khi quay lại chủ hiện vật một là đã bán, không thì cũng đòi giá khác cao hơn./.