Hội nghị do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức, với sự tham dự của đại biểu của bảo tàng quốc gia của 15 nước Châu Á và Đại sứ quán một số nước Châu Á tại Việt Nam.

bao%20tang%20lich%20su%20viet%20nam1.jpg
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (ảnh: virtourist)

Theo TS Nguyễn Văn Cường- Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Chủ tịch Hiệp hội các Bảo tàng quốc gia châu Á nhiệm kỳ 2012-2013, thông thường mỗi kỳ họp ANMA lại đưa ra một chủ đề để các bảo tàng cùng nhau hướng tới và thực hiện sức mạnh của mình. Năm nay, chủ đề của hội nghị tại Việt Nam là "Bảo tàng góp phần thay đổi xã hội". Với chủ đề này, hiệp hội có những nội dung cụ thể như là: giáo dục trong bảo tàng, xây dựng các chương trình tham quan bảo tàng và các tuyến, tua du lịch đối với bảo tàng.

Chủ đề của Hội nghị ANMA 4 "Bảo tàng góp phần thay đổi xã hội” chính là sáng kiến của VN và được các nước đồng thuận, đó là chủ đề lớn, mang tầm vĩ mô, nhưng cũng đồng thời gắn chặt với nhiệm vụ và chức năng, nhiệm vụ của các bảo tàng các nước. Chủ đề này một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của các bảo tàng, cũng như hoạt động của bảo tàng trong đời sống kinh tế- xã hội hiện nay. Một xã hội phát triển hiện đại là một xã hội có nhiều thách thức và sự tăng trưởng về nhiều phương diện và sự thay đổi về nhận thức và ý thức.

Cho nên, bảo tàng luôn luôn là một trong những thiết chế và trong hệ thống văn hoá là nền tảng, động lực của xã hội thì cũng tham gia giải quyết cả những thách thức của xã hội hiện đại. Bên cạnh đó, bảo tàng cũng góp phần cho nhận thức và ý thức của xã hội đối với những vấn đề thuộc về lịch sử, truyền thống và văn hoá của mỗi nước.

Việt Nam là 1 trong 12 nước sáng lập viên Hiệp hội các Bảo tàng quốc gia châu Á (ANMA), là thành viên quan trọng của ANMA, tham gia tích cực và có những đóng góp quan trọng trong các kỳ hội nghị. Tại Hội nghị ANMA 3 ở Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam đã được bầu làm Chủ tịch ANMA nhiệm kỳ 2012-2013, từ ngày 1/1/2012.

Hiện nay, ANMA gồm 13 thành viên là: Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Quốc gia Tokyo-Nhật Bản, Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc, Bảo tàng Quốc gia Nepal, Bảo tàng Quốc gia Campuchia, Cục Bảo tàng Quốc gia Malaysia, Bảo tàng Quốc gia Ấn Độ, Bảo tàng Quốc gia Thái Lan, Bảo tàng Quốc gia Indonesia, Bảo tàng Văn minh châu Á- Singapore, Cục Bảo tàng Quốc gia Srilanka và Bảo tàng quốc gia Mông Cổ.

Tại Hội nghị ANMA 4 tại Hà Nội sắp tới, Hiệp hội sẽ kết nạp thêm 2 thành viên mới là Bảo tàng Quốc gia Lào và Bảo tàng Quốc gia Philippines.

Cũng theo TS Nguyễn Văn Cường, việc đăng cai tổ chức Hội nghị ANMA 4 sẽ mang đến cho ngành bảo tàng của Việt Nam nhiều cơ hội quí giá. Thông qua hoạt động này, chúng ta không chỉ thể hiện trách nhiệm vai trò của một sáng lập viên, một uỷ viên ban chấp hành trong hiệp hội, mà chúng ta còn khẳng định được sự phát triển và vị thế của Bảo tàng quốc gia VN trong cộng đồng các bảo tàng quốc gia thế giới và châu Á. Đồng thời qua hội nghị này ngành bảo tàng của VN tăng thêm sự hiểu biết, trao đổi kinh nghiệm, cũng như ký kết các hợp tác đa phương và song phương về trao đổi các di sản văn hoá với các nước Châu Á và trên thế giới.

Trong thời gian diễn ra hội nghị, ngoài cuộc họp của các giám đốc bảo tàng quốc gia Châu Á, còn diễn ra nhiều sự kiện, hoạt động khác như: triển lãm, các chương trình trao đổi, giao lưu hợp tác, các ký kết đa phương và song phương. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có nhiều hoạt động để các đại biểu quốc tế có cơ hội tìm hiểu thêm về các bảo tàng ở VN, đồng thời giới thiệu các giá trị di sản văn hoá của các nước chủ nhà với các nước thành viên, thông qua đó tăng thêm hiểu biết để có cơ sở để tăng cường sự hợp tác với nhau một cách hiệu quả.

Bộ VHTTDL giao Bảo tàng Lịch sử Lịch sử Quốc gia là đầu mối cho các hoạt động chuẩn bị cho ANMA4 và công tác công tác chuẩn bị cho hội nghị đang được tiến hành khẩn trương. Đặc biệt, bảo tàng đã tổ chức tuyển đội ngũ 40 tình nguyện viên được chọn lựa trong số hàng nghìn bạn trẻ đăng ký tham gia, nhằm phục vụ tốt nhất cho các hoạt động của hội nghị. Đây cũng là hoạt động góp phần nêu bật chủ đề “Bảo tàng góp phần thay đổi xã hội”. Bởi tình nguyện viên cũng là lực lượng xã hội, cũng là một "kênh" mà các bảo tàng đang khai thác, để tăng lên các hiệu quả hoạt động của mình. Và sự đóng góp của lực lượng tình nguyện viên trong hội nghị cũng sẽ rất có ý nghĩa trong tình hình phát triển và xã hội hoá văn hoá hiện nay./.