Đêm khuya 18/10, khi cơn bão số 7 giật cấp 16 đang rình rập đổ bộ vào Hải Phòng, Quảng Ninh, ngoài trời mưa bắt đầu nặng hạt, thì tại Trung tâm Thiện Giao ở phường Ngọc Xuyên – quận Đồ Sơn, những thành viên ở đây lại thao thức, không ngủ… vì sáng mai họ sẽ được đi sơ tán tới nơi an toàn hơn để tránh bão.
23 thành viên, người nhỏ nhất vài tháng tuổi, lớn nhất hơn 40 tuổi, tất cả đều là người khuyết tật, thiểu năng trí tuệ và nhiễm chất độc da cam. Bà Trần Thị Thanh Hương, được các thành viên gọi là mẹ, người sáng lập Trung tâm và trực tiếp nuôi dưỡng các “con” cho biết: “Bão gió thế này không sơ tán không được, vì nhà cửa không bảo đảm. Cơn bão lần trước nhẹ thế mà mái tôn đã bay vèo vèo. Chiều nay chính quyền phường đã đến giúp đỡ mẹ con chúng tôi thu dọn đồ đạc, sáng mai họ sẽ đưa xe vào đón sớm”.
Bà Hương vốn là bộ đội xuất ngũ, rồi như định mệnh, bà gắn bó với những đứa con bị khuyết tật của đồng đội từ những năm 1997, khi bà thành lập trung tâm đầu tiên tại Quảng Ninh. Đến năm 2010, bà chuyển Trung tâm về Đồ Sơn, vì thế tính đến nay đã gần 200 “người con” được mái ấm của bà cưu mang, dạy dỗ và ra đời lập nghiệp, người nhiều tuổi nhất đã là 50.
Đã nửa đêm, những đứa trẻ này vẫn thức "chờ bão" |
Nơi những đứa con khuyết tật của bà đi sơ tán bão số 7 vào sáng sớm 19/10 chính là nhà của đôi vợ chồng đồng đội của bà: ông Vũ Văn Việt và bà Phan Thị Lan ở Suối Rồng, phường Ngọc Xuyên – Đồ Sơn. Gia đình ông Việt con cái đã trưởng thành, đi làm ăn xa, nhà 3 tầng rộng rãi nên ông bà muốn đưa các con của bà Hương về tá túc ngày bão gió.
“Năm 2012, Trung tâm bị cháy rụi. Sau đó chúng tôi gây dựng lại, nhưng cũng chưa đâu vào đâu, lên đời dần dần. Nhưng chỉ cần gió cấp 6, cấp 7 là có thể đổ, gây nguy hiểm cho các con. Mà chúng thì khù khờ, có chạy được đâu. Đến sinh hoạt cá nhân tôi còn phải một tay dọn dẹp. Nên được chỗ bác Việt cho tá túc là quý lắm rồi” – bà Hương trải lòng.
Thế nhưng, việc “di dời” chừng ấy con người đối với bà Hương không dễ dàng chút nào. Chỉ tay vào “cô bé Còi”, năm nay đã 25 tuổi, bà Hương cười đùa: “Đấy, 25 tuổi rồi mà chẳng chịu đi lại cho nhanh nhẹn. Mai rồi lại huy động mấy cậu em khiêng lên xe, mà Còi cũng được 45kg rồi đấy chứ có bé bỏng đâu. Mai đi sơ tán bão nhé”.
Gương mặt bà Hương lộ rõ vẻ lo lắng mỗi khi bão về |
Còi không trả lời mà chỉ cười ngây dại. Đám trẻ đứng bên nhao nhao: “Ê, mai đi sơ tán, mai đi chùa à mẹ. Đồ đạc con chuẩn bị hết rồi. Các anh mai đi chùa với em nhé”, khiến cả chủ lẫn khách cười ra nước mắt.
Hoàng Thị Phượng, cô gái 36 tuổi người Thanh Hóa bị khuyết tật vận động, là “trợ thủ” đắc lực của mẹ Hương chia sẻ: “Đi tránh bão em rất lo. Vì việc quản lý các bạn ấy rất khó. Ở Trung tâm, họ được tự do. Đi sơ tán ở trong môi trường nhỏ hơn các em sẽ rất khó bảo, rồi chuyện ăn uống, vệ sinh… Vì thế, chiều tối nay, mẹ Hương đã nhắc các con tắm rửa sạch sẽ để ngày mai chỉ việc lên đường”.
Những thanh niên này không có khái niệm "bão" |
Việc “lên xe, xuống đò” của các thành viên Trung tâm thực sự không dễ dàng, rất cần sự giúp đỡ từ đoàn thanh niên, chính quyền địa phương.
Bà Thanh Hương ngậm ngùi: “Giá mà Trung tâm có một ngôi nhà vững chãi thì chẳng khổ cho đám trẻ mỗi khi bão về. Chính quyền xuống bảo đi sơ tán hết, nhưng tôi bảo vẫn phải có 1, 2 đứa gọi là khỏe hơn ở lại vì còn mấy con lợn, bò, mấy cái TV, những thứ không mang đi được. Nhưng Trung tâm lại ở giữa đồng không mông quạnh, nhỡ có chuyện gì biết kêu ai”.
Những người "vô lo" trước bão |
Chúng tôi chia tay “mẹ Hương” cùng các con của bà lúc nửa đêm. Ngoài trời gió đã rít lên từng cơn, mưa đã nặng hạt. Những tấm tôn trên mái nhà của những đứa trẻ ngây ngô đang xem vô tuyến bắt đầu sột soạt, rung lên bần bật.
Bà Hương giục: “Các con đi ngủ đi, mai dậy sớm đi tránh bão”. Quang Anh, chàng trai 22 tuổi đáp: “Mẹ ơi, chúng con thức đêm chờ đón bão”.
Ở Trung tâm Thiện Giao, chỉ có một người lo bão số 7 tràn về./.100% tàu thuyền của Đồ Sơn đã cập bến an toàn tránh bão số 7