Thông tin tại cuộc họp ứng phó với bão số 6 (bão Nesat) do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức ngày 17/10, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hiện không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến nước ta, gió trên Vịnh Bắc Bộ sẽ mạnh lên cấp 6-7. Không khí lạnh bắt đầu ảnh hưởng và tương tác xa với bão số 6.
"Trong quá khứ khi các cơn bão gặp không khí lạnh mạnh thường suy yếu nhanh. Do đó, thời điểm hiện tại, không khí lạnh mới tương tác với bão số 6 ở khoảng cách xa nên bão vẫn có khả năng mạnh thêm. Trong ngày hôm nay và ngày mai (18/10), bão số 6 có thể đạt cường độ cực đại ở cấp 12-13, giật cấp 15", ông Lâm nhận định.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông dự báo sẽ có gió cấp 9-10, sóng biển cao 8-10m; giữa Biển Đông gió cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 3-5m.
"Dự báo, sau khi đạt cường độ cực đại trong hôm nay và ngày mai, bão số 6 sẽ suy yếu nhanh do không khí lạnh xâm nhập mạnh. Khi vào vùng biển Trung Bộ bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới".
Ông Hoàng Phúc Lâm cho rằng, với kịch bản dự báo như vậy, gió mạnh trên đất liền do bão là "không đáng lo ngại" và mưa cũng không nhiều. Tuy nhiên, khi đới gió Đông Bắc hoạt động mạnh, mưa sẽ xuất hiện nhiều ở khu vực Đông Bắc Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, còn khu vực Bắc và Trung Trung Bộ mưa ít hơn.
Đến khi bão tan, không khí lạnh di chuyển sâu xuống phía Nam, lúc này khu vực Trung Trung Bộ sẽ xuất hiện mưa dài ngày nhưng không to, dao động khoảng 50mm/ngày.
Ngoài ra, theo tính toán của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, trong ngày 19-20/10, bão có thể tan ngay trên biển, xác suất này là 30-40%.
Kịch bản đáng lo ngại là không khí lạnh không mạnh như dự báo mà yếu nhanh thì khi bão vào gần bờ vẫn đạt cường độ cấp 8-9, xác suất này chỉ khoảng 5%.
Triển khai các giải pháp, sẵn sàng ứng phó bão số 6
Đại tá Nguyễn Đình Hưng - Trưởng phòng Cứu hộ - Cứu Nạn (Bộ Tư lệnh Biên phòng) cho biết tại cuộc họp, theo báo cáo nhanh số 384/BC-CQTT ngày 17/10 của Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Phòng thủ dân sự - Bộ đội Biên phòng, đến 6h30 ngày 17/10, Bộ đội Biên phòng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 52.248 tàu với 222.313 lao động biết diễn biến của bão số 6 để di chuyển phòng tránh, trong đó 50 tàu với 489 lao động hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa (Quảng Nam 28 tàu với 290 lao động; Quảng Ngãi 20 tàu với 184 lao động; Bình Định 2 tàu với 15 lao động).
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, trên hệ thống Giám sát tàu cá (VMS – TCTS), tính đến 7h ngày 17/10, không có tàu cá nào nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 6 trong 24h tới.
Về tình hình hồ chứa, thông tin từ Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT) cho hay, tại khu vực Bắc Trung Bộ có 2.323 hồ, dung tích từ 62-98% dung tích thiết kế; 1.319 hồ đầy nước: Thanh Hoá: Có 320/610 hồ; Nghệ An: 962/1.061 hồ; Hà Tĩnh: 25/346 hồ; Quảng Bình: có 7/153 hồ; Thừa Thiên Huế 5/56 hồ đầy nước.
Ở khu vực Nam Trung Bộ có 517 hồ, dung tích đạt 59-87% dung tích thiết kế; 350 hồ đầy nước: Đà Nẵng 19/19 hồ; Quảng Nam 55/73 hồ; Quảng Ngãi 65/118 hồ; Bình Định 22/160 hồ; Phú Yên 36/50 hồ; Khánh Hòa 5/28 hồ; Ninh Thuận 8/21 hồ; Bình Thuận 40/48 hồ đầy nước.
Về hồ chứa thủy điện, tại khu vực Trung Bộ có 26 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn với lưu lượng từ 10-750m3/s. Khu vực Tây Nguyên có 20 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn với lưu lượng 9-500m3/s…
Để ứng phó với bão số 6, các địa phương triển khai Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị nạn. Mặt khác, huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, vệ sinh môi trường, sửa chữa nhà ở, đường giao thông, công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng.
Từ sáng 16/10, ông Lê Trường Lưu – Bí thư Tỉnh ủy và ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ trì họp triển khai công tác khắc phục hậu quả trực tiếp đến cấp huyện. TP.Đà Nẵng đã huy động lực lượng dọn vệ sinh môi trường, hỗ trợ người dân sửa chữa phương tiện (ôtô, xe máy) bị thiệt hại.
Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã sơ tán 4.900 hộ với 14.205 người (Quảng Bình 8 hộ với 48 người, Quảng Trị 1.205 hộ với 3.835 người Thừa Thiên Huế 3.687 hộ với 10.322 người), hiện người dân đã trở về nhà sau khi lũ rút.
Các tỉnh, thành phố, gồm: Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã có công điện triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 6; phối hợp với lực lượng biên phòng tổ chức thông báo, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển.
Mưa lũ gây thiệt hại lớn, 6 người thiệt mạng
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, đợt mưa lũ từ ngày 13-16/10 đã gây thiệt hại lớn với 6 người bị thiệt mạng.
Về nhà ở, có 9 nhà bị sập, đổ (Quảng Trị: 6, Thừa Thiên Huế: 1, Đà Nẵng: 2); 26 nhà bị thiệt hại (Thừa Thiên Huế: 2, Đà Nẵng: 24).
Về nông nghiệp, 1.015ha hoa màu bị ngập, hư hại (Quảng Trị: 970ha, Huế: 15ha, Quảng Nam: 30ha); 121,5ha thủy sản bị thiệt hại (Huế: 120ha, Quảng Trị: 1,5ha)…
Về giao thông, hiện còn 2 điểm sạt lở lớn gây tắc đường. Cụ thể, tại Km32+200/QL9C, tỉnh Quảng Bình; Quốc lộ 15D đi Cửa khẩu Quốc tế La Lay, tỉnh Quảng Trị. Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương đang tổ chức khắc phục. Hiện các địa phương đang tiếp tục rà soát, tổng hợp, thống kê thiệt hại./.