Gen Y, hay còn gọi là thế hệ Millennials - những người sinh trong khoảng từ năm 1981 đến 1996, được coi là thế hệ nắm giữ tương lai của đất nước. Theo dự báo, tới năm 2025 sẽ có khoảng 75% thế hệ này trở thành lực lượng lao động chủ lực trên toàn thế giới. Tuy nhiên, họ cũng được coi là cầu nối tạo ra những sự khác biệt lớn giữa các thế hệ xưa và nay. Dưới đây là những điều mà thế hệ ngày nay coi đó là “tư tưởng thoáng hơn” so với thời ông bà, cha mẹ mình.
1. Họ “coi nhẹ” hôn nhân
Hiện nay, tỷ lệ những người thuộc thế hệ Millennial không kết hôn có xu hướng tăng theo từng năm. Đây được coi là một tư tưởng khác biệt hoàn toàn so với các thế hệ trước. Minh chứng rõ nhất cho điều trên là tại Trung Quốc, những người trẻ ở quốc gia đông dân nhất thế giới này đang có xu hướng “thề độc thân cả đời”.
Nếu trước đây, hôn nhân gắn với tài chính và trách nhiệm thì ngày nay, có rất nhiều lý do khiến tư tưởng của gen Y trở nên tiến bộ hóa. Thay vì ràng buộc nhau bởi tờ giấy kết hôn, họ chọn cách “sống thử”. Những người này cho rằng tình yêu không nhất thiết phải đi tới cưới xin, và hôn nhân không phải là mục tiêu cuối cùng. Họ chọn sống chung dưới mái nhà, hơn là gắn bó cả đời với nhau vô thời hạn. Đây cũng là điều đã gây ra nhiều tranh cãi. Hầu hết người đi trước phản đối việc làm này, còn gen Y lại cảm thấy đây là một điều hoàn toàn bình thường.
Ngoài ra, vấn đề tài chính và áp lực của đồng tiền cũng được cho là nguyên nhân dẫn tới việc họ không muốn kết hôn. Có những người muốn tiết kiệm nên đã trì hoãn không muốn kết hôn, hoặc đơn giản họ coi trọng sự nghiệp hơn tình yêu.
Việc chứng kiến bạo lực gia đình, sự cam chịu từ người thân, hôn nhân đổ vỡ,... cũng có thể là lý do khiến họ bị ám ảnh tâm lý, trở thành một “nỗi sợ kết hôn”.
2. Thường hẹn hò qua ứng dụng hoặc mạng xã hội
Một đặc điểm phổ biến khác biệt nhất của thế hệ Millennials là về vấn đề hẹn hò. Trong thời kỳ hội nhập ngày nay, việc kết bạn và giao lưu khắp nơi trên thế giới là một điều không còn quá xa lạ. Tình yêu cũng vậy, nhờ Internet, sự thay đổi ở cách gặp gỡ, hẹn hò và thể hiện tình cảm cũng dần được phổ biến hơn. Thông qua công nghệ, họ có thể gặp gỡ đối phương ở tỉnh, thành khác, thậm chí là ở quốc gia khác.
Nếu như trước đây phải gặp mặt mới có thể được nói chuyện, thì giờ đây, thông qua ứng dụng hẹn hò hay mạng xã hội, họ hoàn toàn được giao lưu, tiếp cận và tìm hiểu nhau một cách dễ dàng. Đây cũng là một lợi thế trong việc nhận biết họ có phù hợp với đối phương hay không để tiếp tục mối quan hệ.
Đã có rất nhiều người thuộc thế hệ Millennials đã quen với việc hẹn hò và làm quen trực tuyến và cũng tìm được cho mình một người bạn đời ưng ý.
3. Họ cảm thấy khó khăn khi tìm sự cân bằng trong cuộc sống
Áp lực công việc và áp lực đồng tiền có thể là nguyên nhân chính khiến nhiều người trẻ rơi vào khủng hoảng, mất cân bằng trong cuộc sống. Ở độ tuổi không còn quá trẻ, họ đang ở lưng chừng của việc phát triển sự nghiệp. Kèm theo đó là mức lương bèo bọt, khiến họ phải vật lộn để kiếm sống vì chi phí sinh hoạt đang ngày một tăng cao.
Ngoài ra, áp lực đồng trang lứa cũng là điều khiến họ trở nên mặc cảm và tự ti. Xã hội phát triển đòi hỏi mỗi cá nhân cần phải cố gắng và nỗ lực hết sức để cạnh tranh và kiếm được đồng tiền. Đến một độ tuổi nhất định, khi thế hệ Millennials so sánh với người khác và cảm thấy mình không có gì trong tay, thậm chí là cả nợ nần, sẽ có thể khiến họ trở nên mệt mỏi và mắc bệnh tâm lý.
4. Mắc chứng “nghiện” điện thoại thông minh
Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy nhiều người thuộc thế hệ Millennials dành phần lớn thời gian rảnh rỗi vào các thiết bị di động và mắc chứng nghiện điện thoại thông minh nghiêm trọng. Theo thống kê, thời lượng sử dụng trung bình hàng ngày của họ là khoảng 3,7 giờ.
Đây hoàn toàn là một điều bình thường trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay và nhất là khi họ là thế hệ đầu tiên lớn lên với công nghệ như Internet, mạng xã hội và điện thoại di động. Do đó, những thiết bị di động luôn đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống, trong làm việc, học tập và giao lưu bạn bè của thế hệ Millennials.
5. Bản lĩnh, tự chủ và dám nói lên cái “tôi”
Bị cho rằng lười biếng và không sẵn sàng làm việc, những người thuộc thế hệ Millennials trên thực tế lại rất bản lĩnh và tự chủ. Họ luôn nỗ lực hết sức mình dẫu phải trải qua mức độ căng thẳng cao hơn so với thế hệ trước. Và nếu như sự nỗ lực ấy không nhận được thành quả xứng đáng, họ sẵn sàng rời đi để tìm một công việc với mức lương cũng như sự đãi ngộ tốt hơn.
Tất nhiên, dù ở bất kỳ thế hệ nào cũng sẽ có những người lười biếng và vô trách nhiệm. Nhưng nhìn chung, thế hệ Millennials hầu hết là những người chăm chỉ, đề cao lòng trung thành và dám nói lên cái tôi cá nhân.
Trên thực tế, những người bùng nổ thường đổ lỗi cho thế hệ millennials vì không sẵn sàng làm việc chăm chỉ. Điều này có thể đúng một phần, nhưng không thể phủ nhận rằng thế hệ thiên niên kỷ trải qua mức độ căng thẳng cao hơn so với các thế hệ trước.
6. Ít tích lũy, thích được hưởng thụ
Thực tế, điều này đã được chứng minh rõ ràng nhất ở giới trẻ tại Hàn Quốc. Năm 2021, giới trẻ Hàn Quốc rộ lên cơn sốt dốc hết tiền mua đồ hiệu chỉ vì… không mua được nhà. Định kiến về một thế hệ Millennials “ít tích lũy, thích hưởng thụ” xảy ra khi nhiều người cho rằng họ thích tiêu tiền cho những món đồ xa xỉ thay vì tiết kiệm tiền.
Ngoài ra, tư tưởng YOLO (You only live once - Bạn chỉ sống một lần) cũng tác động mạnh tới suy nghĩ của những người trẻ này. Họ luôn mong muốn được sống trọn vẹn theo những gì mình thích, không muốn bị ép trong khuôn khổ.
7. Luôn thích được khen ngợi
Một đặc điểm khác của thế hệ thiên niên kỷ này là họ luôn thích được khen ngợi và công nhận thành quả, công sức. Điều này không chỉ giúp người trẻ có thêm động lực làm việc và hiểu rõ bản thân làm tốt hoặc chưa tốt ở điều gì, mà còn khiến họ cảm thấy công sức mình bỏ ra là không uổng phí, từ đó nỗ lực hơn nữa thúc đẩy sự phát triển của cơ quan, công ty. Đây có thể coi là việc làm truyền cảm hứng tích cực, giúp người trẻ cống hiến hết mình./.