Phát biểu tại cuộc họp giao ban ứng phó với bão số 6 và công tác khắc phục hậu quả mưa lũ ở miền Trung do văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức sáng 19/10, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện bão số 6 đang ở khu vực phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa và bão đã suy yếu hẳn so với ngày 18/10.

"Qua ảnh mây vệ tinh, hiện vẫn nhìn thấy mắt bão nhưng phần mây đối lưu gây mưa và gió giật mạnh chủ yếu nằm ở phía Tây Bắc của tâm bão. Cường độ không khí lạnh khá mạnh nên bão suy yếu nhanh. Trong 24h tới, bão đi theo hướng Tây và có khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên vùng biển Quảng Bình - Thừa Thiên Huế", ông Hoàng Phúc Lâm cho hay.

Theo ông Lâm, trong hôm nay (19/10), vùng biển từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có gió cấp 6-7, vùng gần tâm bão có thể cấp 9-10, các tàu thuyền trên biển cần lưu ý gió mạnh.  Đối với đất liền, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với hoàn lưu cơn bão số 6 và nhiễu động trong đới gió đông nên ở Đông Bắc Bộ, nam Đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Hà Tĩnh sẽ có mưa, tuy nhiên mưa không lớn, khoảng 30-50mm, trọng tâm mưa ở Hà Nội, Nam Đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa 50-80mm, có nơi xấp xỉ 100mm.

"Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ đêm nay nhiệt độ sẽ giảm sâu. Nhiệt độ tại Hà Nội có thể xuống 14-16 độ C. Sau khi bão tan, mưa do gió mùa đông bắc sẽ dịch dần vào các tỉnh Trung Trung Bộ, tuy nhiên mưa không lớn", ông Lâm nhận định.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại tá Nguyễn Đình Hưng - Trưởng Phòng Cứu hộ cứu nạn, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết các đơn vị từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa duy trì 4.512 tàu, xuồng, 51 ô tô các loại trực sẵn sàng tham gia xử lý khi có tình huống. 

"Biên phòng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi tổ chức bắn pháo hiệu cảnh báo bão tại 22 điểm theo quy định. Trong vùng nguy hiểm có 3 tàu Quảng Ngãi đang neo đậu tại đảo Đá Lồi, hiện vẫn an toàn và thường xuyên giữ liên lạc với gia đình", Đại tá Nguyễn Đình Hưng cho hay.

Để bảo đảm an toàn hồ đập và vùng hạ du trước diễn biến mưa những ngày tới, các đơn vị quản lý hồ chứa thuỷ điện đang phải vận hành điều tiết nước tại nhiều công trình. Cụ thể tại khu vực Bắc Trung Bộ, có 7 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn, với lưu lượng xả từ 40 - 63 m3/s.

Trong khi đó ở khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ có 17 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn, với lưu lượng xả từ 10 - 760m3/s. Khu vực Tây Nguyên cũng có 18 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn, với lưu lượng xả từ 7 - 324m3/s.

Ngày 18/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì đoàn công tác của Chính phủ đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại tỉnh Quảng Trị. Dự kiến đoàn tiếp tục làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng.

Về phía Bộ Ngoại giao, đã có Công hàm gửi Đại sứ quán Trung Quốc và Philippines để các quốc gia tạo điều kiện cho tàu thuyền của Việt Nam tránh trú và hỗ trợ, cứu người, sửa chữa tàu thuyền trong trường hợp cần thiết.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành đề nghị các bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 964/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó tập trung khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, vệ sinh môi trường, sớm ổn định đời sống, sản xuất của Nhân dân.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến để chủ động tránh trú, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; sẵn sàng các phương án ứng phó với bão ven bờ, trên đất liền…/.