Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, bão số 16 (bão Tembin) di chuyển chủ yếu theo hướng Tây. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15, sóng biển cao từ 8-10m.

Dự báo, bão đi vào đất liền sẽ ảnh hưởng tới các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau.

Để biết được thông tin diễn biến mới nhất của bão số 16, phóng viên VOV đã phỏng vấn ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm khí tượng Thủy văn Quốc gia về nội dung này.

ong_hai1_hcry.jpg
Ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Ảnh: Nguyễn Dương).

PV: Thưa ông, xin ông cho biết hướng di chuyển của bão số 16 sau khi đổ bộ vào Philippines hiện như thế nào?

Ông Lê Thanh Hải: 10 giờ sáng nay vị trí bão cách đảo Trường Sa Lớn thuộc quần đảo Trường Sa là 230 km, cách Vũng Tàu, Cà Mau là 750km và đang di chuyển theo hướng Tây, tốc độ di chuyển khoảng 25km/h.

Chúng tôi dự báo, hôm nay trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa sẽ có gió bão mạnh cấp 12 giật cấp 14, cấp 15.

Sau khi đi về hướng Vũng Tàu, Cà Mau, bão có thể giảm đi một cấp. Tức là khi đi qua Côn Đảo bão có khả năng gây ra gió mạnh cấp 10, cấp 11, giật cấp 13 tại vùng này và đi về vùng biển Đông của Nam Bộ, bão sẽ còn cấp 9, cấp 10, giật cấp 12, cấp 13.

PV: Như ông vừa nói thì bão số 16 sẽ đổ bộ vào đất liền nước ta trong một hai ngày nữa. Vậy bão sẽ gây ảnh hưởng tới những địa phương nào thưa ông?

Ông Lê Thanh Hải: Còn khoảng 5-7 tiếng nữa, bão số 16 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa. Ngày mai, bão sẽ ảnh hưởng đến vùng biển Côn Đảo.

Bắt đầu từ đêm mai sẽ ảnh hưởng đến vùng biển thuộc phía Đông của Nam Bộ và nửa đêm về sáng ngày 26/12, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh miền Tây Nam Bộ và một phần của miền Đông Nam Bộ, gây ra gió mạnh đối với các tỉnh Nam Trung Bộ.

Sau đó, bão sẽ đi xuyên qua bán đảo Cà Mau sang vịnh Thái Lan và tiếp tục ảnh hưởng đối với vùng biển ở phía Tây của Nam Bộ, trong vùng biển Cà Mau, Kiên Giang và sang cả Vịnh Thái Lan.

Như vậy, đây là một cơn bão khá mạnh. Theo chúng tôi, đường đi của cơn bão này cũng tương tự như con bão Linda năm 1997 và vùng biển này bị ảnh hưởng sóng to, gió lớn.

Vùng biển hôm nay, tại Trường Sa sẽ có sóng lớn từ 8 đến 10m và ngày mai vùng biển Côn Đảo sẽ có sóng cao từ 7 đến 9m.

Bắt đầu từ đêm mai, vùng biển của Nam Bộ sẽ có sóng từ 6-8m. Sau đó, ven biển các tỉnh miền Tây Nam Bộ sẽ có gió mạnh dần. Ở đây, nước biển dâng thủy triều cũng cao từ 3 đến 4m.

PV: Vậy ông có khuyến cáo gì với các địa phương nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão số 16 có thể gây ra?

Ông Lê Thanh Hải: Thời gian cũng không còn nhiều, chính quyền và Ban Chỉ huy thuộc miền Tây Nam Bộ cũng như miền Đông Nam Bộ và một số tỉnh của Nam Trung Bộ cần chỉ đạo tích cực để bà con tiếp cận thông tin và có cách phòng tránh.

Đặc biệt, vùng ven biển phía đông của miền Tây Nam Bộ như: Bà Rịa Vũng Tàu, Cần Giờ của thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng phải có phương án để di dân.

Sâu hơn nữa, trong đất liền có thể sẽ có những giông tố, lốc đi kèm theo cơn bão này và mưa.

Lần này, cơn bão có thể gây ra đợt mưa từ 100 đến 200mm cho toàn bộ miền Tây và miền Đông Nam Bộ cũng như là Nam Trung Bộ và phía nam của Tây Nguyên. Hiện nay, thủy triều cũng đang trong thời kỳ tương đối cao. Do đó người dân cần phải tuân thủ chỉ đạo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các địa phương.

Một điểm đáng lưu ý là sau khi đi ngang qua bán đảo Cà Mau sang phía bên biển Tây, bão vẫn đang ở cấp 8, cấp 9 lên độ nguy hiểm cho tàu thuyền, bè, đặc biệt là ở huyện Côn Đảo có gió mạnh cấp 10, còn huyện đảo Phú Quốc, xã đảo Thổ Chu và các xã đảo khác.

Ở phía bên Vịnh Thái Lan có thể có gió bão mạnh cấp 8, cấp 9, giật lên tới cấp 10, cấp 11.

Những vùng này đang có rất nhiều khách du lịch và rất nhiều bà con đang hoạt động ở vùng biển cần phải sớm có biện pháp chống bão, chằng chống hoặc di chuyển đến nơi an toàn. Chúng ta chỉ còn 24 tiếng đến 36 tiếng để phòng tránh.

PV: Vâng xin cảm ơn ông!

(Đường đi của bão tham khảo Windy)