Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 1, khu vực vùng núi phía Bắc đã có mưa vừa đến mưa to. Một số nơi có lượng mưa lớn từ 19h ngày 26/7 đến 7h ngày 27/7 như: Đào Viên (Tuyên Quang) 65 mm, Định Hóa (Thái Nguyên) 50 mm.
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 2 đến 5 mét, ở hạ lưu từ 2 đến 3 mét. Đặc biệt, trong đợt lũ này mực nước thượng lưu sông Thao và sông Hoàng Long có khả năng lên mức báo động 1, các sông suối nhỏ có khả năng lên mức báo động 2.
Cảnh báo lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất có khả năng xảy ra tại tất cả các tỉnh ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt một số tỉnh như: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Bắc Giang. Ngập úng tại vùng trũng và các đô thị có nguy cơ cao xảy ra, đặc biệt tại các tỉnh: Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội.
Bão số 1 giật cấp 10 chỉ cách Hoàng Sa khoảng 150 km
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Ban chỉ huy bộ đội biên phòng các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Phú Yên, tính đến 6h sáng 27/7 đã thông báo, hướng dẫn neo đậu cho 61.937 tàu, lồng bè, với khoảng 270.000 người biết vị trí, hướng di chuyển của Bão số 1 để chủ động trú tránh và di chuyển vào bờ.
Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên đã có công điện, thông báo chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các cấp chính quyền triển khai kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão về các nơi neo đậu tránh trú an toàn, quản lý chặt chẽ các tàu thuyền kể cả tàu du lịch.
Các tỉnh Đông Bắc Bộ đã có công điện chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các cấp chính quyền theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất và sẵn sàng các phương án sơ tán dân đến nơi an toàn.
Ban Chỉ đạo trung ương phòng chống thiên tai và và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các địa phương khu vực Trung du và đồng bằng Bắc Bộ chủ động việc tiêu thoát nước đệm đảm bảo an toàn cho diện tích lúa và hoa màu mới gieo trồng.
Riêng tỉnh Lạng Sơn khẩn trương chỉ đạo thu hoạch lúa Xuân muộn theo phương châm xanh nhà hơn già đồng. Tăng cường kiểm tra an toàn đập, vận hành cửa van; xả nước đón lũ để đảm bảo an toàn các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa đã đầy và gần đầy nước thuộc các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc.
Hiện nay, các hồ chứa của các tỉnh miền núi phía Bắc hiện đạt từ 40- 70% dung tích thiết kế, một số hồ đã đạt mức cao như: Vân Trục 89%, Vĩnh Thành 97% (Vĩnh Phúc); Đồng Cốc 97%, Khuôn Thần 91% Làng Thum 91%, Trại Muối 97%, Khe Sàng 97%, Khe chão 97%, Hàm Rồng 90%, (Bắc Giang)...
Theo báo cáo của các địa phương, hầu hết các hồ chứa vừa và lớn do Công ty khai thác công trình thủy lợi quản lý đã vận hành theo đúng quy trình đã được phê duyệt của hồ chứa; các hồ chứa nhỏ do các địa phương quản lý trực 24/24h thường xuyên theo dõi diễn biến mực nước và hiện trạng công trình.
Nhìn chung các hồ chứa hiện an toàn, đến nay chưa có báo cáo về nguy cơ mất an toàn công trình của các địa phương. Đối với các hồ chứa có tràn tự do và đạt dung tích thiết kế hiện đang cho rút bớt nước thông qua cống lấy nước dưới đập để hạ thấp mực nước trong hồ, tuy nhiên lượng nước xả qua cống lấy nước tính đến nay là không đáng kể, ước dung tích giảm khoảng từ 2-3%.../.