Thống kê mới nhất của Cục quản lý đê điều và phòng chống lụt bão (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho thấy, vi phạm về đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm 2008 đến đầu quý 2 năm 2012 lên đến 1600 vụ. Điều đáng chú ý là tình trạng này đã xảy ra từ lâu, nhưng việc xử lý lại chưa được bao nhiêu.
Nhiều tuyến đê bị lấn chiếm, làm nơi tập kết vật liệu xây dựng; nhiều dòng sông bị bẻ cong dòng chảy do việc khai thác cát sỏi bừa bãi - đó là thực trạng báo động về sự buông lỏng trong quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tại thành phố Hà Nội hiện nay. Dọc tuyến đê hữu sông Hồng, tuyến đê được coi là quan trọng bậc nhất ở Hà Nội - từ huyện Từ Liêm qua các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, đâu cũng thấy tình trạng lấn chiếm hành làng an toàn thân đê. Trên đoạn đê sông Hồng qua xã Thượng Cát (Từ Liêm) đến Lĩnh Nam (Hoàng Mai), hàng chục điểm trung chuyển vật liệu xây dựng cùng những điểm khai thác cát hoạt động suốt ngày đêm… Tại khu vực cầu Nhật Tân (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ), gầm cầu Thanh Trì (phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai) tình trạng đổ đất, phế thải xây dựng lấn chiếm cứ ngang nhiên giữa ban ngày.
Anh Trần Văn Hải, người dân sống ở phường Thanh Trì cho biết: “Chúng tôi thấy cả đoàn xe tải trọng lớn chạy liên tục, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đê. Người dân chúng tôi rất lo lắng. Tôi cũng thấy các cấp ngành thư phường, quận, thành phố cũng xuống nhưng việc vi phạm vẫn thế…”
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thông Hà Nội, các quận huyện có nhiều vụ vi phạm pháp luật về đê điều và phòng chống lụt bão là Ứng Hòa, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Sơn Tây, Từ Liêm, Hoàng Mai, Tây Hồ, Gia Lâm, Đông Anh và Sóc Sơn… Hình thức vi phạm chủ yếu là lấn chiếm hành lang bảo vệ đê làm nhà ở, nhà xưởng; xây dựng lò gạch trên bãi sông; xây dựng công trình trái phép trong chỉ giới thoát lũ.
Điều đáng chú ý là thực trạng này đã xảy ra nhiều năm nay, các ban ngành chức năng của thành phố cũng nhiều lần vào cuộc, nhưng kết quả xử lý lại chưa được bao nhiều, thậm chí tại một số tuyến đê mức độ vi phạm còn nghiêm trọng hơn. Thời gian gần đây đã xảy ra các vụ sạt lở lớn ở đoạn đê hữu Hồng thuộc địa bàn phường Phú Thịnh (thị xã Sơn Tây), đoạn qua xã Cổ Đô (huyện Ba Vì) xảy ra sạt lở dài khoảng 280m, khiến dòng chảy sông Hồng chỉ còn cách bờ sông 4m.
Ông Nguyễn Văn Lâm, người dân xã Cổ Đô nói: “Chỉ có một đêm mà sạt lở cuốn cả rặng cây, mà thực ra cũng chưa đến một đêm mà vài tiếng thôi. Tôi rất lo lắng, vì đây là đất cát pha”.
Trước tình trạng báo động vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để thống kê, đánh giá tình hình sai phạm. Trước khi đoàn kiểm tra tình hình vi phạm về đê điều, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có 13 văn bản gửi các cơ quan của thành phố Hà Nội đôn đốc, đề nghị xử lý sai phạm, nhưng kết quả xử lý chưa được một nửa số vụ vi phạm.
Ông Phạm Đức Luận, Trưởng phòng quản lý đê điều, Cục quản lý đê điều và phòng chống lụt bão (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết: “Kiến nghị nhiều nhưng việc xử lý thì không xử lý. Các cấp chính quyền nhiều nơi còn buông lỏng. Như ở hạ lưu cầu Nhật Tân thì đã san lấp bài sông với diện tích hàng nghìn mét vuông và xây tường rào; xử lý thì mới đập đường tường rào. Hay hạ lưu cầu Thanh Trì thì san lấp tràn lan ngoài bãi sông và xây dựng nhà xưởng…
Thống kê, đánh giá tình hình vi phạm này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. Phó Thủ tướng đã yêu cầu thành phố Hà Nội cũng như các địa phương khác tập trung chỉ đạo, xử lý, ngăn chặn các vi phạm pháp luật về đê điều và có báo cáo gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 30/10/2012. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Phạm Đức Luận, Trưởng phòng quản lý đê, Cục quản lý đê điều và phòng chống lụt bão (Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn) đến thời điểm này, Hà Nội vẫn rất “đủng đỉnh” trong việc xử lý các sai phạm pháp luật về đê điều và phòng chống lụt bão./.