Thời gian gần đây, số trường hợp trẻ em tử vong do bị đuối nước ở tỉnh Tiền Giang ở mức đáng báo động. Thống kê của ngành chức năng tỉnh Tiền Giang cho biết, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3.000 trường hợp trẻ em bị đuối nước. Trong đó, có 115 trẻ em bị tử vong do tai nạn này. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã phát hiện 16 trường hợp trẻ em bị tử vong do bị đuối nước, cao hơn số trường hợp bị đuối nước trung bình của nhiều năm trước.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOV thường trú khu vực ĐBSCL phỏng vấn ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang về nguyên nhân và giải pháp để hạn chế tai nạn này trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh & Xã hội tỉnh Tiền Giang nói về thực trạng trẻ em bị đuối nước |
PV: Thưa ông, vì sao tỉnh Tiền Giang lại xảy ra rất nhiều ca tử vong do đuối nước?
ÔngNguyễn Văn Lâm: Đến năm 2017, tình hình trẻ em bị tai nạn thương tích nói chung và tai nạn đuối nước nói riêng vẫn chưa giảm. Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này. Thứ nhất do gia đình lo mưu sinh chưa quan tâm đến các em. Thứ hai các điểm dạy bơi, bể bơi cũng thiếu nên nhiều em chưa được học bơi. Hoặc là các em tuy biết bơi nhưng kỹ năng trong phòng chống khi bị đuối nước vẫn còn hạn chế.
Vào mùa hè, các em rủ nhau trốn cha mẹ đi đến điểm bơi trên ao, hồ, sông để tập bơi. Khi xảy ra một em đuối nước nhưng do các em chưa có kỹ năng cứu bạn khi bị đuối nước thì chỉ một em bị sẽ kéo theo 2-3 em bị đuối nước. Hiện tại, gia đình ít con nhưng một số gia đình lo mưu sinh chưa có cho các em tập bơi. Bên cạnh đó, cũng do các em biết bơi nhưng chưa giỏi đã chủ quan nên đi ra sông lớn tắm. Khi xảy ra đuối nước thì lại không có kỹ năng tránh được.
PV:Trước tình trạng nêu trên, tỉnh Tiền Giang có những giải pháp căn cơ nào để đẩy lùi tình trạng trẻ em bị đuối nước ?
ÔngNguyễn Văn Lâm: Dưới góc độ là ngành quản lý nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em thì chúng tôi rất quan tâm đến tình trạng đuối nước đối với trẻ em.
Trẻ em vùng Gò Công, tỉnh Tiền Giang hay xuống ao hồ bơi lội mà không có mặt người lớn tuổi trông coi dễ dàng bị đuối nước |
Những năm qua, chúng tôi đã phối hợp với các ngành, các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để gia đình và các em biết tác hại và phòng tránh. Điều quan trọng là chúng ta phải tổ chức cho các em học bơi và trang bị cho các em kỹ năng, phòng tránh đuối nước. Vấn đề này rất khó vì số hồ bơi ở các địa phương rất ít.
Nếu ở huyện có hồ bơi cố định thì chỉ có ở trung tâm, thị trấn thôi, các xã thì không có và trường học cũng chưa được trang bị. Đây là vấn đề mà chúng tôi rất quan tâm và đã đặt vấn đề với Cục trẻ em và Quỹ trẻ em Việt Nam cần có sự phối hợp, trang bị bể bơi di động cho các địa phương, trường học và có đề án phối hợp giữa các ngành, đơn vị có liên quan nhất là ngành Giáo dục- đào tạo và Văn hóa- Thể thao, du lịch.
Trang bị hồ bơi đi động, quản lý, vận hành các hồ bơi, tổ chức dạy bơi cho các em trong học đường. Đồng thời phối hợp với các cơ quan truyền thông để tiếp tục tuyên truyền, phổ biến tác hại của việc bị đuối nước để gia đình các em quan tâm hơn trong vấn đề phòng tránh đuối nước trẻ em.
PV:Xin cảm ơn ông!/.
Hà Tĩnh: Một ngày 2 vụ đuối nước, 3 người chết
Học sinh lớp 5 ở Hà Nội bị ngất khi học bơi tại trường rồi tử vong