Chiều 27/7, tại Hà Nội, Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã tổ chức bàn giao kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ chưa rõ thông tin cho Cục Người có công (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội). Theo đó, gần 670 trường hợp mẫu hài cốt cho ra dữ liệu ADN có chất lượng tốt có thể được dùng cho so sánh đối khớp đã được bàn giao.

vov_1_TDPJ.jpg
Toàn cảnh buổi lễ.

Trung tâm giám định ADN (Viện Công nghệ sinh học) là một trong ba trong đơn vị chủ chốt được Chính phủ giao nhiệm vụ phân tích ADN để định danh cho các mẫu hài cốt liệt sỹ (theo Đề án 150), bên cạnh Viện Pháp y Quân đội (Bộ Quốc phòng) và Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an).

Sau 1 năm đi vào hoạt động (7/2019 - 7/2020), Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) lấy mẫu giám định hài cốt liệt sỹ tại một số Nghĩa trang Liệt sỹ trên cả nước (như Vị Xuyên, Sông Mã, Việt Lào…). Hơn 2.870 lượt phân tích mẫu hài cốt liệt sỹ và 180 lượt phân tích mẫu thân nhân đã được Trung tâm tiến hành. Kết quả thu được 669 trường hợp mẫu hài cốt cho ra dữ liệu ADN có chất lượng tốt có thể được dùng cho so sánh đối khớp được bàn giao cho Cục Người có công.

Lễ ký kết bàn giao.

Ông Đào Ngọc Lợi- Cục trưởng Cục Người có công cho biết, hiện Việt Nam còn khoảng 500.000 hài cốt liệt sỹ chưa được định danh, trong đó hơn 200.000 hài cốt nằm rải rác ở các tỉnh phía Nam, ở Campuchia và Lào; khoảng 300.000 hài cốt liệt sỹ đã được quy tập và an táng tại các nghĩa trang liệt sỹ, nhưng còn thiếu thông tin. Kết quả giám định gene giúp đáp ứng được nhu cầu của các thân nhân trong việc xác định danh tính hài cốt liệt sỹ.

"Giám định ADN là phương pháp tin cậy nhất để giám định. Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với Viện công nghệ sinh học từ năm 2011, từ đó đến nay sự phối hợp rất chặt chẽ, nhịp nhàng từ việc lấy mẫu hài cốt liệt sỹ, thân nhân liệt sỹ… thì đều có sự giám sát của Cục Người có công… Do đó mà những kết quả mà Viện bàn giao cho Cục thì rất là tin cậy", ông Lợi cho hay.

Ông Đào Ngọc Lợi - Cục trưởng Cục Người có công.

Theo PGS.TS Chu Hoàng Hà- Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, ngay từ năm 2000, Viện đã bắt đầu sử dụng ADN trong phân tích giám định hài cốt liệt sỹ. Sau khi được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hiện đại vào tháng 7 năm ngoái, đến nay, Trung tâm đã tối ưu hóa và xây được quy trình tách chiết ADN từ các mẫu xương, mẫu răng. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng bước đầu thử nghiệm xây dựng quy trình giám định mới trên hệ máy giải trình tự thế hệ mới, với mục đích tăng độ chính xác với những mẫu xương lâu năm và mẫu xương thoái hóa.

Hiện Trung tâm cũng là đơn vị duy nhất tại Việt Nam có khả năng sử dụng các hệ máy giải trình tự hiện đại nhất thế giới áp dụng vào phân tích các mẫu hài cốt. Đây là những tiền đề quan trọng để trung tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ giám định nhận dạng hài cốt liệt sỹ.

"Hy vọng là với sự đầu tư của Nhà nước, với trang thiết bị tốt và hiện nay chúng tôi cũng tuyển được những cán bộ trẻ và với sự hợp tác với quốc tế nữa thì mình học thêm được những công nghệ mới, đưa những quy trình mới vào thì hy vọng đạt được năng suất cao hơn, đạt được kỳ vọng của Bộ LĐTB&XH, của Chính phủ và của nhân dân", ông Hà chia sẻ.

Cũng theo PGS.TS Chu Hoàng Hà, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai ứng dụng các quy trình đã tối ưu để định danh cho hơn 4.000 liệt sỹ, góp phần trả lại tên cho các liệt sỹ không biết tên và phần nào đáp ứng yêu cầu của nhân dân và kỳ vọng của Chính phủ.

Bên cạnh nhiệm vụ phân tích mẫu ADN hài cốt, Trung tâm giám định ADN (Viện Công nghệ sinh học) còn xây dựng 4 cơ sở dữ liệu các dân tộc Kinh, Mông, Ê Đê, Tu Dí, nhằm phục vụ cho công tác giám định và tăng độ chính xác cho các kết quả giám định.

Đáng chú ý, trong đợt giãn cách xã hội do dịch Covid-19 (tháng 3-4 vừa qua), Trung tâm đã tham gia giải mã toàn bộ trình tự gene virus SARS-CoV-2 trong 4 ngày, từ hệ máy giải trình tự sẵn có của Trung tâm. Với công nghệ giải trình tự thế hệ 3 của Trung tâm, hệ gene virus có thể được giải mã và lắp ráp mà không cần hệ gene tham chiếu, đáp ứng được khả năng ứng biến khi có một dịch bệnh mới do virus gây ra mà không phải chờ đợi sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế./.