Cơn bão Linda (cơn bão số 5, năm 1997) đã gây ra hậu quả rất nặng nề. Tại Cà Mau đã có 128 người chết, hơn 1.100 người mất tích và 600 người bị thương.
Tổng giá trị tài sản thiệt hại thời điểm đó ước là 2.700 tỷ đồng.
Sau khi cơn bão đi qua, cửa biển Khánh Hội (xã Khánh Hội, huyện U Minh) gần như bị san phẳng hoàn toàn.
Một góc cửa biển Khánh Hội hôm nay |
Ông Ba Đương (Tô Minh Đương), một trong những ngư dân trải qua giây phút sinh tử, may mắn trở về sau cơn bão Linda cho biết, cửa biển Khánh Hội trước đó là một trong những nơi sầm uất nhất vùng ven biển Cà Mau.
Không chỉ ghe tàu của người dân địa phương mà hàng trăm phương tiện đánh bắt các loại tứ xứ tụ về bám biển. Vậy mà chỉ sau một đêm, số lượng tàu chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Trong ngày trở về, trước mặt ông hiện lên cảnh đổ nát ngổn ngang sau khi cơn bão đổ bộ. Những ngôi nhà tranh vách đất cùng cây cối lẫn hết vào nhau, ngổn ngang mái tôn, mái lá.
Sụp đổ! nhưng đó chỉ là vật chất thôi. Trong cơn hoạn nạn ấy, tinh thần những người con trở về từ cõi chết như ông Ba Đương lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Họ đoàn kết hơn, dìu dắt nhau bắt đầu làm lại cơ nghiệp.
Sau khi ổn định đời sống “hậu phương”, ông Ba Đương tu sửa lại chiếc ghe cào và tiếp tục vươn khơi.
Bài học về sự chủ quan, cái giá quá đắt mà hàng trăm ngư phủ phải trả bằng tính mạng mình trong cơn bão số 5 là điều ông luôn khắc cốt ghi tâm ở những chuyến biển tiếp theo.
Đến nay, đã ngoài 60 tuổi, ông vẫn giữ nguyên bài học đắt giá đó truyền lại cho ba người con trai tiếp nối mình.
Bia tưởng niệm các đồng bào gặp nạn trong cơn bão Linda tại Khánh Hội. |
Khi cơn bão tràn về cũng là lúc bà Đào không liên lạc được với chồng và người em trai đang ngoài khơi xa.
Người phụ nữ liền gửi lại ba đứa con nhỏ, liều mình chạy ghe ra biển tìm kiếm trong sự gầm thét của sóng gió.
Hai ngày trôi qua, bà Đào không tìm được chồng và em trai nhưng bà đã cứu sống được 18 người, là chồng, là em của những người vợ, người chị khác trong xóm.
Niềm an ủi đó, không lau khô được những giọt nước mắt, không làm nguôi ngoai được mất mát to lớn do cơn bão Linda gây ra cho người phụ nữ lúc đó mới ngoài 30 tuổi.
Nhưng nhìn 3 đứa con còn đỏ hỏn chưa được đến trường, người phụ nữ vùng Đất Mũi gạt đi những giọt nước mắt, đứng dậy mạnh mẽ hơn ai hết.
Bà quyết tâm nối nghiệp chồng và tin rằng chồng mình, em mình luôn đồng hành. Vì thế, bà không bao giờ thấy cô đơn hay nao núng trong những chuyến ra khơi.
Đến nay, đã ngoài 50 tuổi, cuộc sống đã tươm tất, nhà cửa khang trang, con cái đã được dựng vợ gả chồng từ lâu nhưng bà vẫn "ung dung" sống được với nghề biển. Vẫn cùng người con trai mình “điều hành” hai tàu cá đánh bắt xa bờ của gia đình vươn khơi.
Hành trang nữ ngư phủ mang theo mỗi chuyến biển không chỉ là tất cả trang thiết bị đảm bảo an toàn mà còn có thêm bài học mang tên cơn bão số 5. Vì vậy, không bao giờ nữ ngư phủ mang mạng sống của mình và những bạn tàu ra đánh cược với biển khơi. Chỉ cần nghe thời tiết xấu là lập tức cho tàu vào bờ mặc cho chuyến biển có bị thua lỗ.
Bà Đào nói: “Chúng tôi chuẩn bị chu đáo ghe, áo phao, phao bè và máy điện. Ngoài ra, chúng tôi phải nghe đài để biết thời tiết”.
Đã 20 năm trôi qua, xã Khánh Hội, nơi chịu thiệt hại nặng nhất của cơn bão số 5 đã “khoác lên mình tấm áo mới”.
Thu nhập bình quân của người dân đã đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm. Nhà cửa của bà con đã được kiên cố hóa gần như toàn bộ. Đường về Khánh Hội nay đã thênh thang. Những chuyến đò ngang chia cắt đã được đắp đầy bằng những cây cầu nối liền mảnh đất bãi bồi ven biển.
Bà con vùng đất có truyền thống theo nghề gắn với đầu sóng ngọn gió không chỉ nhanh chóng vực dậy kinh tế gia đình mà còn góp sức xây quê hương mình tươi đẹp hơn.
Ông Huỳnh Hoàng Tương, Chủ tịch xã Khánh Hội cho biết: “Trong cơn bão người dân bị thiệt hại nặng nề về tài sản. Sau cơn bão, ngoài chủ trương của nhà nước cho vay vốn để đóng mới tàu thuyền lớn hơn, công suất lớn hơn, người dân cũng chủ động bằng nội lực của mình. Đến bây giờ, mặt bằng tổng thể của xã, phát triển theo hướng tích cực. Hệ thống đường giao thông cũng được người dân đồng tình hỗ trợ, người dân làm có lợi nhuận cao, họ đã cùng với địa phương để xây dựng địa phương có nhiều cái tiến bộ”.
Vào ngày 2/11 tới, tại xã Khánh Hội, UBND tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức lễ tưởng niệm những đồng bào tử nạn trong cơn bão Linda.
Theo Ban tổ chức, lễ tưởng niệm không chỉ nhằm tưởng nhớ những người đã tử nạn trong cơn bão mà còn có ý nghĩa ghi nhận ý chí, nghị lực và động viên những gia đình bị thiệt hại nặng nề do cơn bão gây ra nhưng vẫn bám biển, tiếp tục phấn đấu vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, có nhiều đóng góp cho xã hội.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Trưởng ban tổ chức lễ tưởng niệm cho biết: Cơn bão đã để lại bài học xương máu cho người dân và ngành chức năng địa phương. Trong đó, hạn chế lớn nhất của các cấp ngành là công tác quản lý thông tin liên lạc và năng lực ứng phó với bão. Đặc biệt, vấn đề nhận thức của người dân rất quan trọng.
“Có rất nhiều bài học được rút ra từ cơn bão số 5, năm 1997. Trước tiên là về nhận thức, do Cà Mau có tần suất thiên tai rất ít, người dân Cà Mau nhiều thế hệ chưa từng chứng kiến những thiên tai lớn. Đặc biệt là bão đổ bộ vào bờ. Do đó, trong cuộc sống trong việc xây dựng các công trình, kế hoạch có liên quan đến ứng phó thiên tai thì người dân chủ quan. Do đó bị thiệt hại rất nặng nề”- ông Sử nói.
20 năm trôi qua, những mất mát đau thương do cơn bão Linda gây ra đã được người dân Đất Mũi biến thành sức mạnh để xây dựng quê hương mình ngày càng giàu đẹp.
Bà con nơi đây vẫn luôn mang theo những giây phút ấy, mất mát ấy nhưng không phải để bi lụy mà lấy đó làm bài học xương máu cho mình, cho những chuyến vươn khơi.
Những chuyến biển hiện nay, có thể không đầy ắp cá tôm, nhưng phải được trang bị đầy đủ những trang thiết bị tiên tiến, hiện đại nhất để đảm bảo an toàn cho mình và cho mọi người./.
Thủ tướng gửi thư chia sẻ nỗi đau do bão Linda gây ra 20 năm trước