Trước thông tin gần 100 nhân viên y tế và bệnh nhân tại các Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều nhận chẩn đoán mắc Covid-19, nhiều người không tránh khỏi hoang mang.
Để mọi người bớt lo lắng về mốc thời gian chấm dứt dịch bệnh, xin giới thiệu những kinh nghiệm vượt qua việc lây nhiễm SARS-CoV-2 theo cụm trong các bệnh viện tại Nhật Bản.
Ngày 6/4 vừa qua, Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Nhật Bản đã công bố kết quả khảo sát trên 263 bệnh viện và cơ sở y tế trong nước về tình hình đối phó với nhiễm SARS-CoV-2 trong bệnh viện.
Trong khảo sát này có hơn 40% bệnh viện trên 500 giường, và gần 80% bệnh viện nhận chăm sóc - điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19. Trong số này, 42 cơ sở (16%) đã từng trải qua giai đoạn nhiễm SARS-CoV-2 theo cụm hàng loạt trong bệnh viện. Việc hạn chế hoạt động khám ngoại trú và giảm nhập viện điều trị cho bệnh nhân mới đã xảy ra ở gần 50% bệnh viện.
Theo phân tích gộp các số liệu chi tiết được báo cáo về, chuỗi ca bệnh thường phát sinh nhiều nhất từ điều dưỡng, sau đó là bệnh nhân và các bác sĩ.
Có thể nói rằng, đây là điều có thể phòng tránh nhưng cũng không thể tránh khỏi vì trung bình một điều dưỡng sẽ tiếp xúc với bệnh nhân hằng trăm lần/ngày và tỉ lệ thực hiện rửa tay đúng cách, đúng thời điểm vẫn ở mức trung bình là 40-50% tại Nhật Bản.
Tỉ lệ rửa tay của bác sĩ còn thấp hơn nhưng có "may mắn" là ít tham gia chăm sóc bệnh nhân nên tỉ lệ thành nguồn lây không cao như các điều dưỡng.
Về nguyên nhân gây lan rộng trong bệnh viện, các khảo sát đã cho thấy tương tác (1) giữa bệnh nhân và nhân viên y tế (NVYT), (2) giữa NVYT với nhau và (3) giữa các bệnh nhân với nhau là phổ biến nhất theo thứ tự đó.
Trước dữ liệu này, tác giả xin lưu ý rằng, bệnh nhân tại Nhật Bản được điều dưỡng và hộ lý chăm sóc toàn bộ; người nhà thường không được ở lại bệnh viện sau 20:00 đêm.
Trong mùa Covid-19, việc người nhà vào trong bệnh phòng cũng bị cấm đoán và hạn chế nên con đường lây nhiễm qua người nhà tại Nhật là rất thấp.
Bối cảnh ở Việt Nam có khác biệt là nhiều người nhà cần ra vào bệnh viện thường xuyên, thậm chí ở cùng bệnh nhân để chăm sóc.
Trong các ca nhiễm ghi nhận ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, có hơn 40 bệnh nhân và người nhà trong khi chỉ có 2 điều dưỡng và 2 bác sĩ nhiễm bệnh. Đây là đặc điểm cần lưu ý để tối ưu hóa chiến lược phòng bệnh: Không chỉ NVYT mà bệnh nhân và người nhà cần triệt để thực thi khuyến cáo 5K!
Mặc dù tất cả các bệnh viện đều có cẩm nang hướng dẫn phòng chống nhiễm khuẩn, cẩm nang chuyên biệt cho Covid-19 chỉ được trang bị ở 60% cơ sở tại thời điểm bùng phát chuỗi ca nhiễm trong viện.
Thời gian từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên tới khi có đối sách cụ thể dao động khá lớn, từ 1 ngày (45.2%), trong vòng 3 ngày (76.2%) và cũng có nơi mất tới hơn 1 tuần (16.7%)!
Điều này gợi ý rằng việc thực thi quy định vẫn chưa nghiêm túc. Vì thế, việc xem lại nội dung trong cẩm nang và quy trình làm việc để cải thiện tỉ lệ thực thi, tăng tỉ lệ chấp hành hướng dẫn là rất quan trọng.
Trên thực tế, có khá nhiều bệnh viện có cẩm nang đối phó nhưng rất ít NVYT đọc và hầu như chỉ để… đối phó. Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Nhật Bản khuyến khích việc tập huấn định kỳ theo tình huống giả định để nâng cao nhận thức và tốc độ ứng phó của các NVYT.
Tuy nhiên, điều đáng mừng là hầu hết (85%) cơ sở y tế dập được dịch trong 2 tuần, nhưng cũng có vài nơi mất hơn 1 tháng. Điều này cho thấy nếu có phương pháp đối phó thích hợp thì việc lây nhiễm trong bệnh viện sẽ được dập tắt nhanh chóng. Trên thực tế, các ca mắc Covid-19 trong bệnh viện Đà Nẵng tháng 7/2020 cũng đã được kiểm soát trong một thời gian ngắn.
Liên quan đến đối sách cụ thể với Covid-19, 90% cơ sở y tế có ca nhiễm trong bệnh viện Nhật Bản đã thực hiện xét nghiệm PCR cho tất cả những bệnh nhân và NVYT có tiếp xúc với người mắc Covid-19.
Lưu ý rằng, sự lây nhiễm có thể xảy ra ở cả những người không tiếp xúc gần/mật thiết với người bệnh, nhiều bệnh viện đã tích cực mở rộng xét nghiệm tầm soát bằng PCR cho người có tiếp xúc với bệnh nhân trong 2 ngày trước khi phát bệnh.
Các phương pháp phòng bệnh truyền thống như đeo khẩu trang, rửa tay, giữ im lặng khi ăn uống,…đã được NVYT thực thi triệt để ở hơn 80% cơ sở. Việc hướng dẫn người bệnh đeo khẩu trang và rửa tay, kèm theo khử khuẩn những vị trí hay được cầm - nắm được thực thi nghiêm túc ở hơn 50% cơ sở y tế.
Ngoài ra, việc đeo thêm kính chắn mắt cũng cần thiết để giảm nguy cơ trở thành người tiếp xúc mật thiết, khi phải nói chuyện, chăm sóc bệnh nhân 'không chắc là không bị Covid-19 ở cự ly gần. Có thể nói, đây là những phương pháp rẻ tiền, có thể làm tốt hơn nhờ hoạt động hướng dẫn cộng đồng cùng chung tay vào kiểm soát truyền nhiễm.
Tóm lại, mặc dù việc lây nhiễm SARS-CoV-2 theo cụm trong bệnh viện là không thể tránh khỏi, nhất là trong bối cảnh Việt Nam, khi người nhà vẫn phải ra vào bệnh viện để chăm sóc cho người bệnh.
Tuy nhiên, điều đáng mừng là dịch bệnh sẽ có thể được kiểm soát nhờ nghiêm túc thực thi các khuyến cáo về phòng dịch. Vì đặc điểm của Covid-19 là có thể lây nhiễm âm thầm, người mang virus có thể không có triệu chứng và có thể lây lan mạnh trước khi phát bệnh, việc nâng cao cảnh giác để phát hiện và hành động sớm là rất quan trọng./.