Trong khi nhiều người Việt Nam phải sang nước ngoài để chữa bệnh thì lại có hàng trăm thầy thuốc trên thế giới đến nước ta để học kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp. Kỹ thuật này do Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương hoàn thiện và được các chuyên gia nước ngoài khâm phục, đặt tên là kỹ thuật “Đốc- tờ Lương”.
PGS_TS Trần Ngọc Lương
Từng học chuyên ngành bác sỹ Nội trú tại Pháp và Singapore vào những năm cuối thế kỷ 20, giờ đây, bác sỹ Trần Ngọc Lương là bậc thầy trong lĩnh vực mổ nội soi tuyến giáp của rất nhiều bác sỹ trong và ngoài nước. Từ năm 2003 đến nay, người thầy thuốc có “bàn tay vàng” này đã cùng đồng nghiệp mổ cho hơn 3.500 bệnh nhân mắc các bệnh tuyến giáp, đạt số ca phẫu thuật lớn nhất trên thế giới. Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, bác sỹ Lương đã hơn 20 lần được mời đi nước ngoài để chuyển giao công nghệ và đã có hơn 220 giáo sư, bác sỹ của các nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Phillippines, Thái Lan, Pakistan, Australia, Ấn Độ… đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương học kỹ thuật nội soi tuyến giáp của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Lương.
Thành công không trải thảm hoa hồng. Bác sỹ Trần Ngọc Lương có được thành quả hôm nay đã phải trải biết khó khăn, vất vả. Người thầy thuốc năm nay đã 54 tuổi kể lại, năm 2001, từ 1 bác sỹ khoa Ngoại, Bệnh viện Bạch Mai, ông được điều động về Bệnh viện Nội Tiết Trung ương với nhiệm vụ thành lập khoa Ngoại với biết bao gian khó.
“Lúc bắt đầu về bệnh viện Nội Tiết cực kỳ khó khăn, tôi phải sang kho đồ cũ của Bệnh viện Bạch Mai nhặt từng cái panh, cái chậu về rửa đi để dùng. Đồng thời tôi phải bỏ dụng cụ riêng của tôi (được bạn bè tặng hồi học ở nước ngoài) ra cho tập thể sử dụng. Toàn bộ kéo phẫu thuật của khoa dùng thời điểm đó là kéo mà tôi bỏ ra. Lúc bước chân về Bệnh viện Nội Tiết mở khoa Ngoại, tôi không nghĩ khoa Ngoại sẽ phát triển và có thương hiệu như hôm nay”, Bác sĩ Trần Ngọc Lương chia sẻ.
Nhờ trí thông minh, chịu khó tìm tòi, sáng tạo trong công việc, bác sỹ Trần Ngọc Lương đã dần hoàn thiện được kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp và được các bác sĩ của các nước có nền y học tiên tiến khâm phục. Kỹ thuật này được thế giới đặt tên là “Đốc –tờ Lương” vì qua ban tay và khối óc của ông, phẫu thuật nội soi tuyến giáp trở nên đơn giản, nhanh, an toàn, hiệu quả với chi phí thấp hơn rất nhiều.
Bác sỹ Trần Ngọc Lương trong 1 lần chuyển giao kỹ thuật cho chuyên gia nước ngoài (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Lương cho biết, kỹ thuật nội soi tuyến giáp được ông tiến hành từ năm 2003. Đây là kỹ thuật khó và thời điểm đó rất ít chuyên gia trên thế giới thực hiện. Trong khi các chuyên gia khác chọn đường mổ ở cổ để phẫu thuật nội soi tuyến giáp nên để lại một vết sẹo lớn, khó che thì bác sỹ Lương thực hiện đường mổ riêng từ nách và dưới ngực đi lên với đường rạch da nhỏ, tối đa chỉ dài 1cm, không gây nguy hiểm cho các dây thần kinh và các tuyến lân cận của tuyến giáp; đồng thời để lại vết sẹo nhỏ nhất và có thể che được khi mặc áo. Bác sỹ Lương còn áp dụng những kiến thức mổ nội soi ổ bụng (chuyên ngành chính mà ông được học tại Pháp) vào mổ nội soi tuyến giáp nên những dụng cụ phẫu thuật trở nên đơn giản và đỡ tốn kém hơn, giúp bệnh viện tuyến huyện cũng có thể thực hiện được.
Phương pháp mổ nội soi tuyến giáp của bác sỹ Lương được các chuyên gia trên thế giới đánh giá là hoàn hảo nhất hiện nay.
“Chúng tôi mổ với kỹ thuật riêng, ca đầu tiên mổ với thời gian 3-4 tiếng đồng hồ, bây giờ chỉ 30-40 phút. Trong khi đó, hiện một ca phẫu thuật cắt thùy tuyến giáp ở Singapore và Hàn Quốc diễn ra trong khoảng 2 tiếng đồng hồ. Ngoài ra, chi phí cho kỹ thuật của tôi cũng rẻ hơn. Ở Hàn Quốc và Singapore, nội soi cắt 1 thùy tuyến giáp mất khoảng 10.000 USD, còn ở Bệnh viện Nội tiết chỉ mất 300-400 USD”.
Bộ trưởng Bộ Y tế chúc mừng bác sỹ Lương trong Lễ trao giải Nhân tài đất Việt năm 2014 (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Với kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp có thương hiệu, bác sỹ Trần Ngọc Lương được tôn vinh Nhân tài đất Việt năm 2014 cách đây hơn 1 tháng. Không dừng lại ở việc “xuất khẩu” kỹ thuật y tế ra nước ngoài, người thầy thuốc quê Xuân Trường, Nam Định này vẫn đang say mê nghiên cứu để ngày càng hoàn thiện hơn kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp theo hướng đảm bảo an toàn hơn nữa cho bệnh nhân, nhất là những người mắc bệnh ở giai đoạn muộn./.